Ví dụ như việc các tài xế xe 2 bánh có ứng dụng công nghệ vừa chạy xe vừa xem điện thoại để nhận các cuộc gọi đặt xe hoặc xem hướng dẫn đường đi. Người viết bài này đã chứng kiến không ít lần các tài xế do tập trung nhìn điện thoại mà va chạm với những người đi đường khác. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng nào xảy ra có nguyên nhân từ hành vi này, song sự nguy hiểm là có thật.
Luật Giao thông đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực thi luật đã xác định rất rõ hành vi vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa sử dụng điện thoại là không an toàn và người nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người vừa điều khiển xe mô tô, gắn máy (kể cả xe điện), xe tương tự mô tô vừa sử dụng điện thoại sẽ bị phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng; người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển ô tô bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng. Hiện nay, do nhiều ô tô thường dùng kính tối màu nên lực lượng chức năng khó phát hiện ra hành vi vi phạm này, chứ không phải không có trường hợp vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại.
Giao thông ở hầu hết các tuyến đường ở Việt Nam là giao thông hỗn hợp với rất nhiều loại xe cùng chạy trên mặt đường. Thậm chí thời gian gần đây còn có hiện tượng nhiều ô tô lấn vào làn của xe gắn máy 2 bánh. Do vậy, chỉ cần xảy ra va chạm, người điều khiển hoặc người ngồi trên xe gắn máy 2 bánh ngã ra đường, xe đi sau, đặc biệt là ô tô, nếu không thắng kịp thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Người dân rất ủng hộ việc đưa công nghệ thông tin vào hoạt động vận tải, nhưng thiết nghĩ ngành chức năng cũng phải nhanh chóng có giải pháp xử lý, ngăn chặn ngay những bất cập phát sinh trong quá trình hoạt động của loại hình vận tải này. Bởi lẽ, tất cả sự tiện lợi, thuận tiện đều phải hướng tới phục vụ con người tốt hơn, an toàn hơn.