Bãi biển thôn Đông Dương, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế uốn lượn quanh dãy núi Linh Thái cao gần 800m, với rừng cây xanh rờn, mỗi sáng sớm tinh mơ luôn tấp nập tiếng hò reo kéo “lưới rồng” của bà con ngư dân ở vùng biển này.
Người ta truyền tai nhau gọi là nghề kéo lưới rồng vì những người tham gia dàn thành 2 hàng dài trên bãi biển như rồng rắn. Loại lưới thường dùng dài chừng 400m, cao 4m, có túi dài khoảng 15m.
Ông Nguyễn Phước Long, thôn Đông Dương, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, chia sẻ kéo lưới rồng thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7 hằng năm. Góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập từ việc kéo lưới.
Hoạt động kéo lưới rồng thường diễn ra vào buổi sáng sớm, khi ánh bình minh vừa ló rạng, với sự tham gia từ 15 đến 20 người không phân biệt già trẻ, trai gái, chủ yếu ở thôn Đông Dương.
Thả lưới xong phải mất hơn 3 tiếng người dân mới kéo xong mẻ lưới, mùa kéo lưới rồng rơi vào mùa biển tĩnh nên thu hoạch nhiều cá hơn. Hải sản đánh bắt được thường là: cá đù, cá cơm, cá trích ngoài ra còn có sứa biển, mực.
Còn theo bà Nguyễn Thị Sương, thôn Đông Dương, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, mỗi mẻ cá được gỡ ra từ tấm lưới khi kéo vào bờ là niềm động viên phấn khởi, cũng là sự an vui cho mọi người khi có thêm chút tiền bạc từ tiền bán cá để lo cho con cái ăn học và chi tiêu hằng ngày.
Như mẻ lưới này, bà con ngư dân thu được gần 2 tấn cá đù, được thương lái thu mua tại chỗ với mức giá từ 17.000 - 20.000 đồng/kg, để kịp phiên chợ sáng.
Ngoài việc chia đều số tiền bán cá cho tiểu thương, một ít cá cơm, mực nhỏ còn lại cũng được chia đều cho những người tham gia kéo lưới để về làm thức ăn cho gia đình.
Có thể thấy đánh bắt hải sản gần bờ bằng nghề lưới rồng tuy năng suất không cao như các nghề đánh bắt hải sản khác, nhưng bà con cảm thấy vui vì tình làng nghĩa xóm được gắn kết.