Sự chia tay của HLV Park Hang-seo ở đội U23 Việt Nam sau SEA Games 31 gây ra rất nhiều nuối tiếc, nhất là sau thành tích bảo vệ thành công huy chương vàng.
Di sản mà HLV Park Hang-seo để lại quá lớn, trong khi khả năng thành công của người tiếp nhận lại còn rất mơ hồ. Với hơn 5 năm làm việc, HLV Park Hang-seo trở thành nhà cầm quân lâu năm nhất và cũng là thành công nhất từ trước đến nay.
Trong quãng thời gian đó, bóng đá Việt Nam vươn đến những cột mốc mà chưa ai từng làm tốt hơn ông. Cũng vì thế, bất kỳ HLV nào khác cũng phải đối diện với áp lực khủng khiếp, bởi người hâm mộ rất dễ dàng lấy thành tích của người tiền nhiệm ra so sánh. Cái “công thức chiến thắng” mà HLV Park Hang-seo tạo ra, hầu như không thể thay thế.
Nhưng đã đến lúc, phải tiếp tục cuộc hành trình đến tương lai bằng một HLV khác, và một thế hệ trẻ khác, mà chúng ta, dù thế nào cũng phải đặt niềm tin vào họ. Tấm huy chương vàng SEA Games 31 vừa qua là một sự khẳng định cho vị thế số 1 của bóng đá Việt Nam tại làng cầu Đông Nam Á, nhưng cũng phải thừa nhận, đây không phải là lứa cầu thủ có thể tiến xa hơn các cầu thủ đội tuyển quốc gia hiện tại. Chiến công tại SEA Games có sự phụ thuộc lớn vào 3 cầu thủ quá tuổi (Hùng Dũng, Tiến Linh, Hoàng Đức) cũng như hệ thống mà HLV Park Hang-seo đã xây dựng 5 năm qua. Đó là những gì thuộc về quá khứ chứ không phải của tương lai.
Thực tế, chất lượng của đội ngũ U23 hiện nay vốn đã bị nghi ngờ khi họ còn ở đội U19 của 3 năm trước. Thời điểm đó, những cầu thủ này được chọn để đầu tư trọng điểm cho “Giấc mơ World Cup” với sự bảo trợ tài chính của VinGroup thông qua Trung tâm Đào tạo PVF. Tuy nhiên, thế hệ U19 khi đó thất bại ở các giải U18 Đông Nam Á và châu Á cùng năm, còn việc đầu tư cho họ hiện chưa biết ra sao sau khi PVF không còn thuộc VinGroup. Đánh giá một cách công bằng, huy chương vàng SEA Games 31 vừa qua là thành tích vượt mong đợi nếu nhìn lại 3 năm trước.
Tân HLV Gong Oh-kyun và học trò ông có thể sẽ không thành công tại U23 châu Á, nhưng không nên xem đó là thảm họa. Đây là một ngọn núi quá lớn đối với một HLV có thời gian làm việc quá ngắn cùng một đội ngũ không nhiều chất lượng. Huy chương vàng SEA Games 31 là một cú hích về tinh thần, nhưng sân chơi châu Á cần nhiều hơn các yếu tố chuyên môn. Không chỉ có HLV Gong Oh-kyun mà ngay cả bóng đá Việt Nam cũng cần cho mình thêm thời gian để hướng đến tương lai.
Tương lai ấy, nằm ở việc tiếp tục nâng cao hiệu quả của đào tạo, nhìn nhận đúng chất lượng của các tuyến U17, U19 và đưa ra những giải pháp căn cơ từ đó chứ không phải là hy vọng sẽ có thêm một Park Hang-seo để giúp U23 hiện nay thành công như trước. Hoạt động thi đấu bóng đá quốc tế đang hồi phục. Đến tháng 10, Việt Nam sẽ đăng cai vòng loại U17 châu Á, sau khi tham dự vòng loại U20 châu Á tại Indonesia.
Đây là những đấu trường mà từ đó chúng ta có những Quang Hải, Văn Hậu hay Công Phượng, Tuấn Anh. Đó cũng là những bài kiểm tra “tốt nghiệp” cho hoạt động đào tạo trẻ, bởi nếu các cầu thủ trẻ thi đấu thành công, họ sẽ có chỗ đứng tại CLB và đội tuyển U23. Cần phải khôi phục và tìm được nguồn tài chính đủ lớn để tiếp tục “Giấc mơ World Cup” của 3 năm trước. Nói cách khác, phải tiếp tục đầu tư cho bóng đá trẻ thay vì kỳ vọng những khác biệt từ tấm huy chương vàng SEA Games 31.
Chu kỳ thành công của bóng đá Việt Nam còn nguyên. Thế hệ từng dự U20 World Cup 2017 và á quân U23 châu Á 2018 hiện vẫn đang là trụ cột của đội tuyển quốc gia, có thể chơi bóng đỉnh cao ít nhất 3 năm nữa, và vẫn còn đó HLV Park Hang-seo, người còn nhiều khao khát. Bên cạnh đó, qua giải vô địch U23 Đông Nam Á cũng như SEA Games 31, thực tế là các nền bóng đá tại Đông Nam Á cũng chưa có chuyển biến đặc biệt nào. Ngay đến Thái Lan, hiện đang phải dùng nhiều cầu thủ sinh sống ở châu Âu, không phải là sản phẩm do nền bóng đá của họ trực tiếp tạo ra. Về cơ bản, vị thế số 1 Đông Nam Á của Việt Nam chưa gặp thách thức nghiêm trọng nào và thời gian dành cho thế hệ tiếp nối vẫn còn để hy vọng.
ĐĂNG LINH