Người chỉ huy sư đoàn được cán bộ, chiến sĩ thân mật gọi là “Ông Năm lửa”, “Ông Năm bình toong” ngày ấy, bây giờ đã là lão tướng vừa qua tuổi 90.
Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và kỷ niệm 50 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, ông Năm (Trung tướng Lê Nam Phong) vinh dự được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Trong căn nhà riêng đơn sơ nhưng ấm áp tình đồng đội, quê hương, gia đình của ông ở quận Thủ Đức, TPHCM, tràn ngập tiếng cười. Đồng đội - những người lính của ông một thời “kéo về”. Những kỷ niệm một thời chiến tranh, khói lửa như dòng sông chở nặng phù sa cuộn chảy.
Đại đội trưởng đầu trọc
Thực ra những người cùng thời đánh Điện Biên Phủ với ông gần như bây giờ không còn ai. Quy luật khắc nghiệt của tạo hóa, đã đưa các cụ về với tổ tiên, ông bà. Chỉ còn ông Năm Phong - “đại đội trưởng đầu trọc” do chính Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đặt cho lúc bấy giờ thì vẫn còn quây quần bên con cháu và đồng đội.
“Ông ơi, ông có thể cho chúng con biết vì sao Đại tướng lại đặt cho ông biệt danh ấy?”. “Tay run run, nhưng ánh mắt vẫn sáng, nụ cười vẫn tươi, Trung tướng Lê Nam Phong chậm rãi nói: “Chuyện dài lắm, nhưng chỉ vắn tắt thế này thôi. Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, tôi là Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 88 được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Độc Lập.
Cứ điểm này có lô cốt và chiến hào vững chắc, nằm trên một quả đồi, độc lập với các cứ điểm khác. Lực lượng địch gồm một tiểu đoàn lính phần lớn là người Algeria và một đại đội lính địa phương người dân tộc Thái. Đây được coi là cánh cửa sắt của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đơn vị chúng tôi vừa hành quân từ Thượng Lào về. Để giải phóng được cứ điểm này phải đào chiến hào, đánh lấn. Suốt mấy ngày mưa dầm dề, bộ đội dầm mình, vật lộn với bùn đất. Tôi nảy ra sáng kiến, động viên anh em cạo trọc đầu. Tôi nói, cạo trọc có hai cái lợi. Thứ nhất vừa đỡ vướng khi luồn sâu trong lòng đất đào hào. Thứ hai, khi đánh giáp lá cà với lính lê dương Pháp cao to thì tránh được địch túm tóc. Mọi người hưởng ứng. Thế là người nọ cạo đầu cho người kia.
Chả mấy chốc cả đại đội đầu trọc lóc như nhà sư ra trận. Từ đó, đơn vị chúng tôi được đặt là “đại đội trọc đầu” và tôi được chính Đại tướng Tổng Tư lệnh gọi là “đại đội trưởng đầu trọc”. Điều thú vị là sau gần 50 năm giải phóng Điện Biên, khi Đại tướng đến thăm Trường Sĩ quan Lục quân II, nơi tôi đang làm Hiệu trưởng, Đại tướng vẫn gọi tôi là “đại đội trưởng đầu trọc”...
Nói rồi ông Năm cười mà tôi ngỡ như ông đang khóc. Việc này, tôi đã “mục sở thị” từ lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Trường Sĩ quan Lục quân II cách đây mấy chục năm. Vốn đức độ và khiêm tốn, Đại tướng không muốn phiền bộ đội. Đại tướng nói với thư ký truyền đạt ý kiến rằng, nay ông không còn đảm nhiệm chức vụ nữa. Đến thăm bộ đội như người nhà đi xa trở về, không nên tổ chức đón tiếp theo nghi thức quân đội. Nhưng xuất phát từ sự kính trọng người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Lê Nam Phong vẫn tổ chức bộ đội đón tiếp. Tôi còn nhớ như in, khi Đại tướng vừa bước xuống xe, cất tiếng gọi “đại đội trưởng đầu trọc”, ông Lê Nam Phong đã chạy đến ôm Đại tướng. Ông nói trong nước mắt: “Anh Cả ơi, chúng em thương anh lắm!”.
Ông Năm bình toong
Từ “đại đội trưởng đầu trọc”, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông Năm được cử sang học tại Trường Đại học quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Tốt nghiệp về nước, ông công tác tại Cục Tác chiến (BTTM), rồi năm 1964, ông được giao làm Đoàn trưởng Đoàn 707 vượt Trường Sơn vào Nam bộ chiến đấu. Tại chiến trường “Miền Đông gian nan mà anh dũng”, ông Năm được giao làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Sư đoàn 9 rồi về làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 7 tham gia chiến dịch Mậu Thân.
Trưởng thành từ đơn vị chiến đấu, lại được đào tạo bài bản, trên cương vị chỉ huy nào ông Năm cũng là người tự chủ và quyết đoán. Sự quyết đoán của ông như là mặc định, bất di bất diệt. Nói là làm. Làm phải đến bờ đến bến. Đôi lúc tính ông nóng như lửa (vì thế mới có biệt danh ông Năm lửa). Nhưng từ sâu thẳm con người ông lại dạt dào tình thương đối với đồng chí, đồng đội, đặc biệt những cán bộ, chiến sĩ gặp khó khăn, trắc trở.
Đại tá - họa sĩ Phan Oánh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, một người lính trực tiếp phục vụ ông Năm từ thời Mậu Thân kể rằng, ông Năm nóng như lửa, nhưng rất gần gũi mọi người. Ông có thói quen, khi làm việc căng thẳng, nhất là khi trực tiếp chỉ huy chiến đấu, bên cạnh ông thường có bình toong.
Thay vì, người lính nào ra trận cũng phải có bình toong nước thì ông Năm có bình toong... rượu. Ông không uống nhiều, chỉ hớp giọng thôi. Nhưng mỗi lần như thế, những mệnh lệnh của ông được truyền ra dứt khoát, đúng thời điểm, mang đến thắng lợi cho trận đánh. Nhà báo Đinh Phong, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, nhớ mãi không quên thời chống Mỹ, có lần gặp ông Năm trên đường hành quân. Thấy anh Đinh Phong - em trai một bác sĩ đồng đội giữa trận mạc chỉ có chiếc dao găm tự vệ, ông Năm liền cởi nguyên thắt lưng trang bị của mình, bao gồm cả súng ngắn và bình toong... tặng cho phóng viên chiến trường. Anh Đinh Phong xúc động bất ngờ, vừa nói xong lời cảm ơn đã thấy ông Năm bảo: “Đưa lại thắt lưng cho tao”. Nhà báo Đinh Phong cứ ngỡ ông Năm “đòi” lại tất cả, nhưng ông Năm chỉ lấy lại cái bình toong, còn trao hết cho nhà báo. Ông Năm cười vui: “Tao phải giữ lại bảo bối này”.
Giữa chiến trường ác liệt, có lúc “bảo bối” ấy thật quý và ý nghĩa. Cũng họa sĩ Phan Oánh kể lại, dạo chỉ huy đánh chốt chặn đường 13 - Xóm Ruộng (Bình Long) mùa hè năm 1972 - nơi có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 nằm lại, có đêm một cán bộ lên gặp ông báo cáo tình hình. Ông Năm nằm tòn ten trên võng trong hầm nghe anh cán bộ nói dài quá. Để khép lại câu chuyện, ông Năm đưa cho cán bộ cấp dưới bình toong nói: “Thôi, anh uống một hớp rồi về chỉ huy bộ đội đi. Địch sắp đến miệng hầm rồi”. Nay anh cán bộ ấy không còn nữa, nhưng câu chuyện của anh về hớp rượu “bảo bối” của sư đoàn trưởng như liều thuốc tiên giúp anh cùng đơn vị trụ bám dài ngày nơi trận địa chốt chặn lừng danh một thời vẫn lưu truyền trong đơn vị.
Nay tuổi cao sức yếu, không còn kè kè bên mình bình toong “bảo bối” ấy, nhưng mỗi lần gặp mặt đồng đội hoặc khi gặp chuyện vui buồn, ông Năm đều “hớp” một ngụm. Và mỗi lần như thế, ông thấy mình bay bổng cùng những ký ức một thời gian nan, máu lửa nhưng ấm áp tình người, tình đồng đội.
Người có trái tim nhân hậu
Trung tướng Lê Nam Phong được gọi là ông Năm lửa, nhưng thực sự đó là một vị tướng có trái tim nhân hậu. Dường như điều ấy thường trực trong trái tim và khối óc của ông. Người ta kể lại rằng, dạo làm Tư lệnh Quân đoàn 1 (năm 1980) một lần ông về Hải Hậu (Nam Định) thăm lại một cán bộ cũ của mình. Đó là Vũ Bầu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 (năm 1970). Vũ Bầu bị thương vào gót chân từ chiến trường miền Đông được chuyển ra Bắc và giải ngũ. Sau bao năm đi chiến trường, trở về, Vũ Bầu cũng như bao người lính khác gặp khó khăn về nhiều thứ, nhất là kinh tế.
Mùa đông giá lạnh nhưng anh chỉ phong phanh bộ quân phục ngắn tay đã bạc màu. Khi chia tay người cán bộ cấp dưới một thời, ông Năm không cầm được nước mắt. Vợ chồng Vũ Bầu tiễn ông một quãng đường xa. Ông bảo vợ Vũ Bầu về trước. Đoạn ông Năm cởi hết bộ quân phục đông đang mặc trên người và móc hết tiền trong ví, đồng hồ đeo tay trao cho Vũ Bầu “mày cầm lấy mà dùng”. Và cứ thế, ông mặc quần đùi, áo lót bảo lái xe phóng nhanh về Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Chuyện ấy không chỉ diễn ra một lần.
Lần khác, tôi đã chứng kiến, ông Năm và ông Tám (Trung tướng Nguyễn Thế Bôn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7) “móc hầu bao” tặng cho cấp dưới của mình. Đó là thương binh, cựu tù chính trị Côn Đảo Nguyễn Văn Minh, chính trị viên Tiểu đoàn 28 trinh sát thuộc Sư đoàn 7 thời chiến dịch Mậu Thân. Chính trị viên tiểu đoàn Minh bị địch bắt đày ra Côn Đảo.
Đất nước giải phóng, gia đình anh gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn; ngay cả giấy sinh hoạt Đảng anh cũng chẳng được cấp. Gặp ông Năm và ông Tám, hai vị tướng đã “móc hết hầu bao” cho người cán bộ cũ của mình. Tình đồng đội của các ông khiến những người chứng kiến nhòe nước mắt...
Xuân Mậu Tuất này, ông Năm bước qua tuổi 90. Dường như đã chuẩn bị cho mình chuyến đi xa, Trung tướng Lê Nam Phong - ông Năm lửa nói, mọi việc ổn cả, nhưng tôi vẫn còn một món nợ chưa trả được. Ấy là bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ dưới quyền tôi hy sinh mà chưa tìm được hài cốt; còn bao nhiêu cựu chiến binh nghèo chưa được giúp đỡ khi hoạn nạn khó khăn.
Là người trong cuộc, tôi hiểu được sự trăn trở và nỗi lòng của ông Năm. Mỗi lần theo ông Năm thăm lại chiến trường xưa, như đường 13 - Tàu Ô - Xóm Ruộng; Long Khánh; Phước Long; Long Khốt... nơi hàng ngàn người lính của ông đã nằm lại, Trung tướng Lê Nam Phong vẫn thấy canh cánh trong lòng món nợ mà có lẽ không bao giờ trả được. Chứng kiến những giây phút ấy, tôi mới ngộ thêm điều người xưa nói “Nhất tướng thành danh vạn cốt khô”. Như thế dễ hiểu, món nợ đồng đội đối với các ông là nỗi lòng đằng đẵng.
Nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, hạnh phúc và nỗi niềm tràn dâng trong trái tim người lính bộ đội Cụ Hồ - Đại đội trưởng đầu trọc, Ông Năm lửa - vị tướng trận có trái tim nhân hậu!