Quê hương thứ hai
Tiếp xúc với chị Ino Mayu, ấn tượng đọng lại với chúng tôi là một phụ nữ đôn hậu, nói tiếng Việt lưu loát, luôn nở nụ cười và tràn đầy nhiệt huyết. Người phụ nữ Nhật Bản sinh năm 1974 đặc biệt hào hứng khi kể về những dự án nông nghiệp chị đã làm ở Việt Nam, nơi chị dành cả tuổi thanh xuân và xem như quê hương thứ hai của mình.
Sau khi học xong tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa thuộc khoa Sử (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) và hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Trường Đại học Hitotsubashi ở Nhật Bản, chị Mayu làm việc cho tổ chức Tình nguyện quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam.
Tổ chức này hỗ trợ các tỉnh nghèo thông qua Dự án bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế cho các hộ dân tộc thiểu số và nông dân quy mô nhỏ thông qua áp dụng các phương pháp nông nghiệp bền vững như canh tác trên đất dốc, phương pháp lúa - vịt - cá kết hợp tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn và TP Hải Phòng. Trong vai trò quản lý dự án kiêm trưởng đại diện, chị có điều kiện tiếp xúc với nhiều nông dân Việt Nam và hiểu được những khó khăn họ phải đối mặt.
Năm 2009, tổ chức Tình nguyện quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam ngừng hoạt động nhưng chị Ino Mayu không trở về Nhật Bản. Chị thành lập Tổ chức Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn) - một mô hình phát triển cộng đồng phổ biến ở Nhật Bản nhưng còn lạ lẫm ở Việt Nam.
Ý tưởng thành lập Seed to Table đến cũng khá tình cờ. Khi tổ chức cũ mời đại diện các tỉnh đã và đang hợp tác đến dự tổng kết hoạt động tại Việt Nam, chị gặp lãnh đạo và cán bộ nông nghiệp tỉnh Bến Tre, mong muốn giúp đỡ những hộ khó khăn, giúp nông dân làm nông nghiệp sạch. Từ đó, Seed to Table bắt đầu hoạt động tại ĐBSCL.
Không ngại vất vả, khó nhọc, chị Mayu tự tìm hiểu tài nguyên, văn hóa và sinh kế truyền thống của người nghèo ở địa phương, giúp họ nuôi trồng, khai thác tốt tài nguyên, phát triển văn hóa bản địa, gìn giữ môi trường bằng cách canh tác an toàn, chế biến và tiêu thụ tốt nông sản. Kinh phí hoạt động dựa vào các chương trình hỗ trợ của chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản.
Chị Ino Mayu (thứ 2, từ phải sang) và các nông dân tham gia sản phẩm hữu cơ PGS Đồng Tháp tại Phiên chợ xanh tử tế |
Quả ngọt
“Thời gian đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng giờ mọi việc đã dễ dàng hơn”, chị Mayu cười. Nhưng đằng sau nụ cười nhẹ nhõm của người phụ nữ nhỏ nhắn là cả một hành trình dài với không ít thử thách. Sau khi thành lập, ngoài việc chuyển giao công nghệ làm nông nghiệp sạch bền vững, Seed to Table mở rộng nghiên cứu, giúp bà con hiểu cách sử dụng con giống, lợi thế cũng như bất cập của giống mới, giống cũ… cũng như cách chăm sóc, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra.
Làm sao để giúp nông dân thoát nghèo? Giúp họ thay đổi tư duy, thay đổi tập quán để sản xuất theo phương pháp hữu cơ an toàn? Những câu hỏi này là mối bận tâm của chị khi bắt tay thực hiện “Ngân hàng vịt”, “Ngân hàng bò”.
Điểm đầu tiên chị đến là huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre để tài trợ người nghèo nuôi vịt. Từ năm 2011, sau khi khảo sát, chị vận động được khoảng 400 triệu đồng hỗ trợ người dân nghèo nuôi vịt. Nhờ sự hướng dẫn, giúp sức tận tình từ cán bộ của Trung tâm Khuyến nông các cấp ở Bến Tre và cán bộ địa phương, việc ghi chép, tính toán chi phí chăn nuôi diễn ra thuận lợi.
Đến năm 2012, chị Ino Mayu tiếp tục xin vốn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản để mở rộng dự án, hỗ trợ nông dân 72 con bò, mỗi hộ được vay 1 con. Khi hộ nghèo nuôi bò cái đẻ ra bò con sẽ trả lại cho “Ngân hàng bò” để tiếp tục cho hộ nghèo khác vay. Cũng từ đây, hàng trăm hộ nghèo tại 7 xã trên địa bàn huyện Bình Đại đã thoát nghèo.
Dự án đã kết thúc, nhưng bà con vẫn duy trì, tăng đàn bò để phát triển kinh tế. Rất nhiều nông dân đã tăng đàn bò hơn chục con và thoát nghèo, cuộc sống khá giả hơn. Bên cạnh đó, Seed to Table triển khai cho nông dân quy mô nhỏ tại một số địa bàn của tỉnh Bến Tre chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch theo dây chuyền khép kín. Giá thành sản phẩm được cải thiện đã giúp thu nhập của hàng ngàn nông dân nâng cao rõ rệt. Mô hình ngày càng được nhân rộng về quy mô và chất lượng, không chỉ ở tỉnh Bến Tre, mà còn được bà con nông dân ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp… đến học hỏi. Nông dân không phải là đối tượng duy nhất mà Seed to Table hướng tới.
Chị Mayu và cơ quan đối tác tìm đến các trường THCS và PTTH ở Bến Tre và Đồng Tháp, khuyến khích, giúp các em học sinh tự tay dựng nên những vườn rau hữu cơ trong khuôn viên trường. Năm đầu tiên, chị tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn các em cách xới đất, gieo hạt và hỗ trợ trang thiết bị để trồng rau. Những bó rau xanh mơn mởn được các em mang đi bán, số tiền thu được dùng để mua hạt giống và phân bón cho lứa rau tiếp theo.
Những đóng góp của Ino Mayu và Seed to Table đã được ghi nhận sau thời gian dài cống hiến. Năm 2022, chị được tỉnh Bến Tre vinh danh là “Công dân Đồng Khởi danh dự”. Về những dự định tương lai, chị Mayu cho biết sẽ hoàn thiện dự án đang thực hiện tại Đồng Tháp, sau đó trở về Nhật Bản và kết nối hoạt động đào tạo, tiếp tục hỗ trợ góp phần phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.
Chị tâm sự, đã đến lúc về quê nhà Tokyo và dành thời gian cho gia đình sau nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam. Nhưng, chị khẳng định, tình yêu với Việt Nam vẫn còn đó. Ít ai biết rằng, bố mẹ Mayu ngay từ đầu đã không đồng tình với quyết định chọn ở lại Việt Nam của chị. Dần dần, chứng kiến sự bền bỉ và tâm huyết của con gái, cùng với đó là hiệu quả từ những dự án nông nghiệp, bố mẹ chị đã thay đổi thái độ. Cũng từ đây, sự ủng hộ của gia đình là nguồn động viên lớn, giúp chị có thêm động lực hoàn thành nhiều dự án.
“Các dự án của Seed To Table là những sứ mệnh. Đó không phải vì tiền hay vì thành tích... mà đó là cả tình yêu mà tôi dành cho Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Seed to Table nghĩa là “từ hạt giống đến bàn ăn”, vì tôi mong muốn người nông dân Việt Nam không chỉ cải thiện được kinh tế, mà còn có thể biết cách sử dụng sản phẩm như thế nào để tốt cho sức khỏe”, chị Mayu chia sẻ.