Nghề giáo đúng là một nghề có trong danh mục nghề nghiệp ở tất cả các quốc gia, có các tiêu chuẩn về bằng cấp, kinh nghiệm và cách ứng xử. Giáo viên dù làm ở trường công hay tư thục đều được trả lương để làm việc, đều phải hoàn thành những nghĩa vụ theo quy định hoặc hợp đồng.
Tuy nhiên, trên cả những quy định đó, nghề giáo có những đặc trưng riêng. Đó là nghề đòi hỏi sự rèn luyện khắt khe của bản thân, chịu sức ép lớn từ xã hội vì đối tượng lao động của nhà giáo là con người chưa trưởng thành về nhân cách, đang trong quá trình phát triển với các đặc điểm thay đổi theo từng độ tuổi, mang nhiều khác biệt về nền tảng văn hóa gia đình, khả năng nhận thức, đời sống tình cảm…
Mỗi ngày học sinh có ít nhất một nửa thời gian tiếp xúc với giáo viên. Sự ảnh hưởng của giáo viên đến học sinh là rất lớn về mọi mặt. Công cụ giáo dục của giáo viên chính là nhân cách của họ. Việc thiếu chuẩn mực của giáo viên từ trong ăn mặc, lời nói, cách ứng xử… đều sẽ tạo nên những ảnh hưởng nhất định đến học sinh. Như một giáo viên thường xuyên trễ giờ thì khó dạy được học sinh thói quen đúng giờ. Một giáo viên thoải mái to tiếng, quát tháo học sinh thì không thể thuyết phục các em tôn trọng người khác. Chính điều này khiến xã hội có sự kỳ vọng lớn vào nhân cách của giáo viên. Sự kỳ vọng đó là hợp lý, đòi hỏi giáo viên phải ý thức sâu sắc, biến nó thành sự cam kết và tinh thần trách nhiệm với nghề.
Bàn ở một hướng khác, ngày xưa, hành xử của người thầy là “khuôn vàng thước ngọc”. Xã hội phát triển từng ngày, nghề dạy học vì thế cũng đã khác xưa. Ở nhiều chương trình học, với ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, nhiều người thầy “ảo” đã thay thế người thầy “thật”. Những kiến thức thầy cô dạy đều có thể tra cứu dễ dàng, nhanh chóng, thậm chí bài giảng của thầy cô giáo “ảo” còn đẹp mắt, chỉn chu hơn… Nhưng điều đó không có nghĩa vị thế của người thầy trở nên nhạt nhòa, bởi ở thời nào thì người thầy vẫn là người dẫn đường, chỉ khác ở cách thức thực hiện nghĩa vụ ấy.
Trong thế giới phẳng, người thầy dĩ nhiên không “chạy” kịp sự thay đổi của thông tin, nhưng tri thức được hình thành đâu chỉ có thông tin. Người thầy có trách nhiệm trao truyền phương pháp học tập, vạch ra con đường, khuyến khích, động viên để người học tìm đến đích. Ở thời đại này, công việc người thầy thay đổi thì trách nhiệm của người học chắc chắn cũng phải khác xưa. Các em đến trường không chỉ thụ động ngồi nghe hết lời hay ý đẹp của thầy mà phải biết chủ động, biết tự học để hình thành tư duy, kỹ năng và thái độ phù hợp cho bản thân.
Chúng ta phải nhìn nhận người thầy không phải là người toàn năng, quyết định hoàn toàn nhân cách của trẻ và điều này càng đúng ở thời điểm hiện nay. Người thầy đã không thể quyết định toàn bộ kết quả học tập, quá trình rèn luyện của học sinh. Bởi “thầy” của một đứa trẻ còn có cha mẹ, bạn bè xung quanh, thần tượng trên sân khấu… Tác động của người thầy với học trò là rất lớn nhưng không còn là tất cả. Vì thế, thầy cô không phải là người nhận toàn bộ công lao nếu con ngoan trò giỏi và cũng không phải đối tượng duy nhất để đổ lỗi nếu trò chưa ngoan.
Giá trị tôn sư trọng đạo vẫn chưa bao giờ mai một, chỉ thay đổi cách thức để duy trì mối quan hệ này. Trong đó, người thầy phải giữ được tư cách của mình, không xuề xòa, dễ dãi nhưng cũng không quan cách, cửa quyền; giữa thầy và trò luôn phải giữ mối quan hệ tin cậy và tôn trọng.
Nhân cách, tri thức là trách nhiệm và cũng là món quà mà thầy cô trao truyền cho những “khách hàng” đặc biệt của mình, nhưng đón nhận thế nào là sự chọn lựa của người học. Cán cân của mối quan hệ chỉ thật sự cân bằng khi phía người học (bao hàm cả gia đình) cũng phải có cùng nỗ lực tương xứng để hướng đến mục tiêu chung: Học trò tiến bộ toàn diện mỗi ngày.