Sau tràng bắn liên thanh của thằng cháu, tôi thấy lòng mình buồn so, như thể vừa đánh rơi một cái gì đó.
Bao năm nay, từ ngày tôi biết thế nào là “năm mới” thì trong mâm cơm ngày tết của gia đình tôi, ngoài bánh chưng, bánh mật, thứ không bao giờ thiếu đó là đĩa giò cuộn. Nói văn hoa như cách mà bố tôi vẫn hay bảo: “Chỉ có giò cuộn thì tết mới bén mùi. Thơm thơm, béo béo, cay cay, người khó tính tới mấy cũng phải say lòng. Mâm cơm ngày tết mà thiếu giò cuộn thì dưa hành cũng bỏ ế cả vại”. Vậy mà năm nay bố tôi lại không gói nữa…
Tôi vẫn nhớ, ngoài phần thịt ba chỉ được lấy từ con lợn do đích thân bố tôi nuôi thì gia vị ướp phần thịt đó cũng được bố tôi lựa chọn cẩn thận. Bao năm nay, kiểu gì thì kiểu nước mắm bố ướp thịt phải là mắm mua của bà Long "gù" ở đầu chợ. Hạt tiêu thì bố chỉ dùng loại của người bà con trong Đắk Lắk gửi ra. Ngay như lớp lá chuối gói bên ngoài cũng phải là của cây chuối do chính tay bố tôi chăm sóc.
Đến công đoạn cuộn giò thì quả là đặc biệt và công phu nhất. Sau khoảng mười phút gia vị đã thấm đều, bố tôi sẽ dùng lực để cuộn tròn miếng thịt lại. Tiếp đó bố sẽ cuốn một lớp lá chuối ở bên ngoài khoanh thịt rồi dùng giấy báo (hoặc miếng bao bì xi măng đã đánh rửa sạch sẽ) bọc lại và lấy dây buộc cho chắc chắn. Việc này không phải dễ, vì nếu không siết mạnh tay cho khoanh thịt cuộn chặt lại thì sau hai giờ luộc trên bếp củi, khoanh giò vớt ra sẽ lỏng le, lúc cắt giò bày ra đĩa thì các lớp thịt rời rạc, miếng giò cắn vào miệng cũng tạo cảm giác không được săn chắc.
Bởi sự tỉ mẩn này mà khi cắt khoanh giò bày ra đĩa, nó không chỉ bắt mắt mà khi ăn vào trong miệng, tất cả dư vị đều tổng hòa với nhau. Chút béo của thịt mỡ, chút bùi của thịt nạc, chút se se cay của hạt tiêu, chút mằn mặn của nước mắm cùng chút chua chua, nồng nồng của dưa hành… như một khúc nhạc tấu hương vị mùa xuân trong vòm miệng, dẫu người kén ăn cũng phải ngả lòng. Đến mấy anh chàng ngoại quốc làm cùng công ty, tết năm trước tôi mời ăn cũng phải khen không ngớt.
Có tết, chị em tôi ỉ ôi bảo bố chỉ cho cách gói, nhưng khi bắt tay làm, thấy khó quá, chị em tôi lại bỏ ngang. Nhưng cũng may, có một việc mà tôi có thể “góp công” là được bố cho ngồi bên để trông nồi giò luộc. Và trong suốt hai tiếng ngồi ngóng đợi giò chín thì thể nào tôi cũng được bố “thết đãi” những chuyện đón tết của thời xa xưa.
Tôi vẫn nhớ những câu chuyện của bố về những năm không có “thịt lợn, dưa hành”, may ra được vài miếng thịt gà thì bà nội đem kho mặn, đổ lưng nồi nước để cả nhà cùng được chan nước mắm thịt. Hết chiến tranh sang thời tem phiếu thì cân thịt lợn cũng phải ướp cả cân muối, dè ăn trong cả tháng. Khổ trần ai mà đứa trẻ nào cũng mong tết. Khi ấy, dẫu không được ăn no, mặc đẹp nhưng ít nhất cũng được hít hà đầy lồng ngực những mùi vị tết của những nhà no đủ xung quanh.
Và chính miếng giò cuộn mà cô bạn hàng xóm kế bên (người mà sau này thành vợ của bố tôi, tức là mẹ của ba chị em tôi) lén lút đem cho bố tôi ăn, đã đánh thức mọi giác quan trong trong con người bố, thôi thúc ông quyết cưa đổ để học làm món này từ bố vợ. “Chiến tích” này gần như năm nào bố cũng đem ra khoe và giục chị em tôi nhanh chóng học để không bị “thất truyền”, sau này muốn ăn cũng chả có ai làm cho mà ăn.
Mấy năm nay, mỗi lần bố tôi giục thế, tôi lại giơ màn hình điện thoại với hình ảnh giò cuộn người ta bày bán trên mạng cho bố xem, tôi bảo trên đây không thiếu gì, muốn mua là có. Có lẽ vì vậy mà năm nay tay bố tôi yếu, sợ gói giò không chặt nên mới bảo tôi đặt mua trên mạng.
Đúng là thời đại công nghệ phát triển, trên “chợ mạng” người ta bày bán đủ thứ, mua gì cũng được, nhưng hương vị tết riêng của từng gia đình liệu có mấy ai bày bán được cho ai ở chốn ấy?
Do muốn có “vị tết” của riêng nhà mình, tôi đã quyết định về nhà từ ngày 27 Tết và thử kiên nhẫn một lần học bố cách làm giò cuộn. Khoanh giò tôi làm ra (như hình ảnh) không được bắt mắt nhưng ít ra tôi vẫn cảm thấy ý nghĩa vô cùng. Bởi món ăn không chỉ là vị thơm ngon, ngọt bùi mà trên hết là những thanh âm chộn rộn của ngày tết, cùng không khí đoàn viên, sum họp trong mỗi nếp nhà.
Và hơn hết, tôi biết mình vẫn cần lắm những vị thương yêu khi mỗi độ xuân về…!
PHẠM TỬ VĂN
Email: phamtuvan0083@gmail.com