Người làm báo mang trong mình khát khao dấn thân, đeo đuổi tận cùng sự việc nhằm mang đến thông tin khách quan, đa chiều, hấp dẫn và chân thực nhất đến bạn đọc. Trong hành trình mang thông tin đến bạn đọc, sự đồng hành của cơ quan chức năng là trợ lực lớn, bởi đó là nơi cung cấp và phản hồi thông tin có trách nhiệm nhất. Gặp khó khi tác nghiệp là chuyện thường như cơm bữa và cũng chẳng có gì than vãn. Nhưng một phần cái khó của nghề báo ngày nay không thuộc về phương tiện mà là sự thờ ơ của nhiều đơn vị, tổ chức, cơ quan. Mỗi khi anh em đồng nghiệp các báo gặp nhau, hay than: “Khúc mắc không biết hỏi ai?”. Có nhà quản lý, bình thường có thể nói bất cứ chuyện gì nhưng khi nhà báo tìm đến phỏng vấn một vấn đề thuộc lĩnh vực mà mình quản lý, liền né êm. Trong những lần cần thông tin phản hồi từ cơ quan chức năng, công văn được gửi đi và không hẹn ngày hồi đáp, điện thoại ò í e… ngày càng trở nên phổ biến.
Chương trình Xe gạo nghĩa tình của Báo SGGP hỗ trợ hàng ngàn gia đình gặp khó trong đại dịch Covid-19. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội phát triển, bất kỳ một thông tin nào cũng có khả năng bùng nổ thành dòng sự kiện lớn mà độ khuếch tán, hướng đi, sự theo dõi của cư dân mạng là thứ không dễ đoán định và khó điều hướng nhất. Thời gian qua, trong rất nhiều trường hợp, truyền thông chính thống đã đi sau, thậm chí là thua cuộc so với truyền thông mạng xã hội, mà một trong những nguyên nhân đến từ việc cơ quan chức năng ngại, chậm cung cấp thông tin. Để rồi dư luận bị dẫn dắt bởi những luồng thông tin trôi nổi, chưa được kiểm chứng khiến niềm tin trở nên lung lay.
Phản hồi thông tin là một hành xử văn minh, và đó cũng là trách nhiệm đã được luật hóa. Đặt trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm này càng phải đặt lên hàng đầu và thậm chí còn phải thật nhanh, nhanh hơn mạng xã hội, nhanh hơn những thế lực thù địch với luận điệu xuyên tạc. Sự “hơn thua” ở đây không chỉ là cuộc chạy đua ai lên tin trước mà là sự tường minh trong thông tin, minh định về quan điểm đúng đắn của truyền thông chính thống với dư luận.
“Trả lời” không còn là trách nhiệm, đó là cơ hội. Nếu chúng ta không nắm bắt, kẻ xấu sẽ lợi dụng. Chủ động hay im lặng, thụ động ứng xử với thông tin đại chúng, là sự lựa chọn của mỗi cơ quan chức năng, tổ chức, đơn vị.
Ở chiều ngược lại, người làm báo vốn nép mình dưới măng sét tờ báo; cũng như Báo SGGP, cái tên ký dưới mỗi bài báo là một thương hiệu cần giữ gìn. Khi tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi từ các đầu mối, đơn vị, chúng tôi cũng luôn dặn lòng phải thật sòng phẳng, khách quan và tôn trọng đối tác như tôn trọng sự thật - vốn là tôn chỉ tối thượng của nghề báo và cũng là mục tiêu mà những người làm Báo SGGP hướng đến trong suốt 48 năm qua.