Tại xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) có làng nghề làm cỏ bàng truyền thống hơn 100 tuổi, nhưng ít người biết tiếng. Điều thú vị là thời gian gần đây, khách hàng gần xa biết đến làng nghề nhiều hơn thông qua những con người say mê mảnh đất này, mà chị Nguyễn Thị Thu Hồng là một trong số đó. Là người con của mảnh đất Hóc Môn, cô gái 8X này chủ động kết nối những người yêu túi xách, giỏ đệm, bình giữ nhiệt cỏ bàng… thông qua mạng xã hội. Tiếng lành đồn xa, bạn bè, khách hàng rần rần tìm đến làng nghề đan đệm, giỏ bàng Xuân Thới Thượng.
Chị Thu Hồng chia sẻ: “Mong muốn bà con quê mình đỡ cực nên mình kết nối đưa ra ý tưởng cho bà con đan theo ý mình, cung cấp sản phẩm thơm nức mùi cỏ bàng, đẹp và đầy tinh tế đến với khách hàng. Các sản phẩm được làm từ đôi bàn tay khéo léo, thuần thục của các dì, các cô khiến nhiều người rất thích”.
Chỉ vào chiếc túi giữ nhiệt cỏ bàng xinh xắn treo trên tay xe, chị Hồng cho biết, sản phẩm này mới “ra lò”. Thêm nữa, hàng loạt túi cỏ bàng được gắn nơ xinh xắn, hoặc họa tiết cách điệu, túi đựng quà tặng… đều khiến khách thích mê, nhưng giá khá mềm, chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Thời gian tới, chị Hồng còn có ý định đem những sản phẩm này tới các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch để quảng bá, bày bán để giúp bà con nông dân có thu nhập tốt hơn.
Trước đó, các phương tiện truyền thông cũng nhắc đến một bạn trẻ khác đang sinh sống tại Long An, với sản phẩm ống hút nhựa làm từ cỏ bàng, cung cấp cho nhiều nhà hàng ở TPHCM, cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước. Đó là trường hợp của 8X Trần Minh Tiến, ngụ tại Đức Huệ (Long An). Sản phẩm ống hút cỏ bàng có thể tái sử dụng bằng cách rửa sạch, bảo quản trong tủ lạnh 2 tuần. Hiện tại các sản phẩm ống hút cỏ bàng đã được anh Tiến cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 sản phẩm/ngày, giá 600 đồng/ống (loại tươi), 1.000 đồng/ống (loại khô)…
Nguyễn Thị Thu Quyên, một nhân viên truyền thông tại quận 3, TPHCM, là cô gái 9X xinh xắn, năng động. Vài năm nay, Quyên có thói quen sử dụng những sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái chế. Chẳng hạn như, mỗi sáng khi đến quán cà phê, Quyên không sử dụng ly nhựa mà dùng ly sứ đem sẵn từ nhà. Cô không dùng ống hút nhựa mà sử dụng ống hút tre hoặc ống hút cỏ bàng. Nếu mua thức ăn nhanh, cô cũng chỉ dùng muỗng inox, cà mên đựng cơm, túi vải đựng đồ đạc…
“Người bán hàng không hiểu chuyện nên khó chịu ra mặt, nói rằng việc gì phải thế cho mất công. Nhưng khi biết ý nghĩa của việc tôi làm, họ đón tiếp tôi niềm nở, đồng thời khuyến khích nhiều người học tôi”, Thu Quyên tâm sự.
Cô gái trên không phải trường hợp ngoại lệ. Chỉ cần ghé vào một số cửa hàng, quán ăn hiện nay trên địa bàn TPHCM, rất dễ bắt gặp những hình ảnh tương tự. Quán cà phê trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu), một số quán ăn xung quanh trường Đại học Luật, Đại học Kinh tế TPHCM, thường xuất hiện nhóm 2-3 bạn trẻ “lập dị” kiểu này. Người mua hàng chuẩn bị sẵn muỗng, ống hút, túi giữ nhiệt cho bữa ăn của mình… .