Những câu chuyện về họ phần nào nói lên nhiệm vụ nặng nề, phức tạp và gian nan nhưng rất đỗi tự hào của người lính quân hàm xanh đang giữ bình yên cho thành phố.
Chuyện ở “chốt”
Ngã ba sông Lòng Tàu giáp sông Đồng Tranh và đoạn sông Cồn Ngựa ngay cửa biển Cần Giờ là tuyến thủy nội địa tàu thuyền qua lại như mắc cửi, cả ngày lẫn đêm.
Nhưng khi trời vừa sẩm tối là mặt sông, mặt biển nơi đây dậy sóng bởi “cát tặc” lộng hành. Không khí lúc cao điểm chẳng khác gì một công trường. Không thể để “cát tặc” lộng hành, những người lính Hải đội 2 lĩnh “ấn” tiên phong, đưa cán bộ, chiến sĩ ra “chốt” trực 24/24 giờ tại điểm “nóng” này.
Đại úy Phan Văn Đồng, Hải đội trưởng Hải đội 2, cho biết trước khi khai thác cát trái phép, chủ đầu nậu thường cài cắm “chim mồi” núp ở đoạn đầu sông và cuối sông hoặc ngay cửa biển Cần Giờ để theo dõi lực lượng chức năng đi tuần tra, thấy có động họ giải tán ngay.
Do vậy, muốn truy quét “cát tặc” phải bí mật và tinh thông thì “cát tặc” mới không còn đường thoát. Các anh kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ. Một mặt theo ghe ngư dân bí mật quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng để đối tượng vi phạm không chối tội được.
Thiếu tá Nguyễn Văn Đông, thuyền phó kiêm nhiệm chỉ huy tàu BP 141, khoan khoái tâm sự với chúng tôi: “Gần 3 tháng qua, ứng trực tại chốt đỡ vất vả vì có bà con ngư dân thương yêu đùm bọc”.
Câu nói của Thiếu tá Đông làm chúng tôi nhớ đến hình ảnh của những người lính biên phòng ở huyện Cần Giờ luôn phải chống chọi với thời tiết và gian khó mỗi khi mùa mưa bão đến.
Phải nghe người dân tại chỗ, như cô Tư Gái (tên thật Nguyễn Thị Tư) - người cho chúng tôi đi nhờ ghe ra tàu BP 141, tâm sự, chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi gian truân, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ của những người lính biên phòng.
Cô Tư kể, trước đây khi “cát tặc” lộng hành, mặt sông ngày đêm dậy sóng, tôm cá không còn. Cô Tư và nhiều ngư dân khác trải qua cuộc sống khốn khó. Bây giờ, “tôm cá cũng theo bộ đội về với dân nghèo”. Nhiều hôm bắt được ít hay nhiều, cô Tư cũng gọi: “Chú Đông ơi, con cá dứa hôm nay tươi ngon lắm, mấy chú đem về cải thiện bữa ăn nha!”.
Chợt nhớ chuyện chưa làm, cô Tư hấp tấp: “Tôi suýt quên, còn mấy ngày nữa tới Quốc khánh 2-9, bà con bàn bạc của ít lòng nhiều, mỗi người góp chút ít mua trà bánh gửi chú Đông và anh em trên tàu. Giờ tôi phải đi thị trấn Cần Thạnh để mua cho kịp”.
Vì sự an toàn của người dân
Những năm qua bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời phía Đông TPHCM, BĐBP Cần Giờ cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn.
“Điều trước tiên phải làm tốt công tác dân vận, việc khó mấy nếu nhờ đến dân, dựa vào dân thì mọi việc mới xong xuôi”, Thượng tá Đoàn Duy Phước, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, bày tỏ.
Thượng tá Đoàn Duy Phước cho biết, trong ngày nghỉ cuối tuần, các chiến sĩ Biên phòng cùng tổ dân vận xuống tận ấp giúp dân phát cây dại, phun thuốc diệt muỗi, vá lưới giúp ngư dân, đường đi lối lại đổ bê tông, tráng nhựa, nhà cửa người dân ngày càng khang trang.
Trong khi làm nhiệm vụ, mỗi chiến sĩ Biên phòng đều có những kỷ niệm khó quên. Trung úy Hồ Ngọc Quang (cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng Hiệp Phước) kể lại, chiều tối 8-1, đang trên đường tuần tra, anh và Trung úy Lê Bá Tân phát hiện tàu kéo vỏ gỗ SG-3762 kéo theo bonton SG-3179 có nguy cơ bị chìm. Trên boong tàu có 2 thuyền viên đang tìm cách thoát nạn tại ngã ba Tắc Sông Chà.
Hai anh lập tức bật còi báo động, lái ca nô chạy đến cứu nạn và vừa đưa được 2 nạn nhân (Nguyễn Văn Sang, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Trần Minh Đằng, ngụ tỉnh Sóc Trăng) lên ca nô an toàn thì chiếc tàu kéo chìm hẳn xuống biển.
Còn Thiếu tá Mai Văn Cường (thuyền trưởng Tàu BP 141201, Hải đội 2) đến nay vẫn không quên được tiếng kêu cứu xé lòng giữa đêm giông của những người gặp nạn trên ca nô H29BP định mệnh.
Lúc đó đã gần 22 giờ đêm (ngày 2-8-2013), đơn vị nhận được lệnh của Bộ Chỉ huy BĐBP TP đưa lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn chiếc ca nô chở 26 người bị sóng đánh chìm trong cơn giông tại vị trí chưa xác định thuộc khu vực Cồn Ngựa, giáp ranh giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với TPHCM.
Mất hơn một giờ quần thảo trên biển, tàu BP 141201 mới phát hiện vị trí ca nô gặp nạn. Lúc này chỉ còn 17 người gồm 15 nam và 2 nữ đang đeo bám vào ca nô đã lật úp, trôi lập lờ trên biển. Anh em quăng phao xuống để họ bám vào rồi lần lượt kéo lên tàu. Trong số nạn nhân được cứu, có 2 vợ chồng người Mỹ...
Những tấm gương sáng ngời, tận tụy vì công việc của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cần Giờ góp phần gìn giữ biên cương hải đảo và cuộc sống bình yên cho người dân ở TPHCM.