Giải thích về hiện tượng này, ông Lê Đình Quyết, Trưởng Phòng Dự báo khí tượng - thủy văn, Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết, quá trình hoạt động của không khí lạnh, từ mạnh thành yếu, hoặc từ yếu thành mạnh, không khí chuyển động cũng giống như dòng nước, thỉnh thoảng tạo ra các nhiễu động, hình thành các vùng xoáy.
Tại nơi hội tụ ẩm, nếu vùng xoáy này hình thành trên biển, theo hướng gió đẩy vào đất liền, sẽ gây mưa cho đất liền.
"Tuy nhiên kiểu hình thái như hôm nay mưa sẽ không lớn, phạm vi hẹp, chỉ mang tính cục bộ. Hiện tượng này có thể kéo dài trong 2, 3 ngày tới", ông Quyết nói.
Theo Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ tiếp tục lên cao theo chu kỳ triều cường rằm tháng Chạp.
Đỉnh triều cao nhất đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 15 đến 16-1 (tức ngày 16 đến 17 tháng Chạp). Thời gian xuất hiện đỉnh triều vào khoảng 3-5 giờ và 17-19 giờ. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường ở cấp độ 2.
Ghi nhận của phóng viên, chiều cùng ngày, nhiều nơi ở TPHCM có mưa rào kèm dông. Cơn mưa xuất hiện sau một ngày nắng không gợn mây với nhiệt độ buổi trưa lên tới 33 độ C. Đến chiều, hiệu ứng dông nhiệt đã khiến hơi ẩm tích tụ thành mưa trái mùa.
Theo mô hình của Hệ thống Dự báo toàn cầu Hoa Kỳ và Trung tâm Dự báo thời tiết hạn trung bình châu Âu, đến chiều 15-1, TPHCM tiếp tục có mưa rào trái mùa ở một vài khu vực nhưng diện hẹp hơn so với chiều nay 14-1. Nguyên nhân mưa do có nhiễu động ở ngoài biển từ phía Nam đi lên, cần đề phòng những yếu tố bất ngờ gây thiệt hại cho hoa tết.
Từ ngày 16-1 trở đi, TPHCM lại nắng. Nhiệt độ cao nhất 31-32 độ C và thấp nhất là 23-24 độ C.
Miền Bắc sẽ đón thêm không khí lạnh từ ngày 15-1. Đây là đợt bồi thứ ba của khối không khí lạnh thứ 10 trong mùa đông này. Do đó, miền Bắc vẫn rét.