Câu chuyện tiểu thuyết về lịch sử với một số trang viết dung tục, phản cảm được giải “sách hay” tầm quốc gia đang gây dư luận bất bình những ngày qua. Ngoài câu trả lời của những người cầm cân nảy mực, cho rằng việc chấm giải “đúng quy trình” và cần cởi mở hơn trong cảm nhận của người đọc, thì dư luận vẫn đang cần câu trả lời truy trách nhiệm đến cùng, cũng như hướng giải quyết rốt ráo. Phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh sự việc này.
Nhà văn, nhà báo Phan Tùng Sơn: Hãy trả lại giải thưởng
Công bằng mà nói, những trang viết mô tả cảnh sinh hoạt tình dục thô thiển chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong cả cuốn sách. Đó là lý do để nhà văn Bùi Việt Sỹ cho rằng, cần phải đọc cả cuốn sách mới thấy được giá trị của nó, không nên vì một số chi tiết ấy để nói cuốn sách hỏng. Tuy nhiên, ai cũng thấy, chỉ một con sâu nổi lềnh phềnh thì nồi canh có được nấu bằng những thứ gia vị đắt tiền đến mấy cũng phải đổ đi.
Chim ưng và chàng đan sọt sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu nó không được trao giải. Nhưng khi nó được tôn vinh là sách hay của quốc gia thì trong mắt bạn đọc, nó phải thực sự hay, phải vượt trội so với hàng vạn cuốn sách khác. Đó là đòi hỏi chính đáng của độc giả, là thái độ cần thiết để chấn hưng văn hóa đọc vốn đang bị kêu than là “xuống cấp”.
Ngoại trừ “con sâu” như dư luận đã phản ứng và khá nhiều lỗi chính tả, cuốn sách của Bùi Việt Sỹ cũng không có gì nổi trội. Có cảm giác tác giả minh họa và hư cấu lịch sử bằng những câu thoại. Từ đầu đến cuối sách, chỉ thấy thoại là thoại. Đọc rất mệt. Đưa Chim ưng và chàng đan sọt lên “đỉnh” của nền văn học Việt Nam đương đại, theo tôi là rất khiên cưỡng.
Trả lời báo chí, nhà văn Bùi Việt Sỹ cho rằng, ông phải cảm ơn vụ lùm xùm này vì nó giúp ông trở nên nổi tiếng hơn. Nếu vậy, mục tiêu để được nổi tiếng của ông đã đạt được, vì bây giờ giới cầm bút hầu như ai cũng đã biết đến tên ông. Cách tốt nhất hiện nay là ông Sỹ nên tự nguyện xin trả giải thưởng.
Trong trường hợp ông Sỹ vì lý do nào đó không chịu trả giải thưởng thì ban tổ chức cần ra quyết định thu hồi. Đã sai rồi đừng chần chừ để mắc tiếp những sai lầm khác. Ông Bùi Việt Sỹ có thể nhốt chim ưng trong cái sọt. Nhưng những người cầm cân nảy mực chọn sách hay để trao giải thì không thể coi cái sọt dính phân chim là giá trị của văn học nước nhà.
Giáo viên Phạm Thị Loan (Trường Tiểu học Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai): Lịch sử là để nhắc nhớ
Lịch sử là để nhắc nhớ chứ không phải để bôi bác. Đằng này, là một nhà văn, một người có trách nhiệm “truyền lửa” qua tác phẩm của mình, tác giả Bùi Việt Sỹ đã bôi bác các nhân vật lịch sử qua một số trang viết mà người lớn đọc còn đỏ mặt. Tôi không hiểu, nếu bạn đọc nhỏ tuổi đọc quyển sách này thì tác hại còn lớn hơn đến mức nào.
Điều làm tôi bất bình không kém là vì sao Chim ưng và chàng đan sọt lại vượt qua các hội đồng thẩm duyệt, được phát hành dưới cái mác “tiểu thuyết lịch sử” và nghiễm nhiên nhận giải C “sách hay”? Phải chăng các hội đồng “ngủ gật triền miên” nên mới lọt quyển sách dung tục như vậy ra đời sống văn hóa?
Tôi nghĩ, cũng đã đến lúc các vị nên “tỉnh ngủ”, kiểm điểm rõ trách nhiệm của từng khâu, từ Nhà xuất bản Hội Nhà văn (đơn vị phát hành), đến Hội Nhà văn Việt Nam (đơn vị tổ chức cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4) cho đến ban tổ chức và hội đồng giám khảo Giải thưởng Sách hay Quốc gia 2018. Nếu có sai, hãy mạnh dạn nhận lỗi và quyết tâm khắc phục, để hạn chế những sai sót như vậy.
Đừng chỉ hô hào “rút kinh nghiệm” như thói quen bấy lâu nay của một bộ phận không nhỏ những người chịu trách nhiệm chính trong hàng loạt những sai phạm. Nhận sai và sửa sai từ những đơn vị và cá nhân liên quan là những việc mà bạn đọc như chúng tôi cần nhất lúc này.
Ngày 24-4, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Trưởng ban tổ chức Giải Sách hay Quốc gia 2018 cho biết, đang giao cho các đơn vị thẩm định lại những nội dung được cho là thô tục, phản cảm, không phù hợp trong cuốn sách. Ông cũng cho biết, cuốn sách trước khi đưa vào xét giải đã được kiểm tra về quy trình xuất bản. Việc xét duyệt sách hiện nay được thực hiện theo quy trình đã được xây dựng. Sách trước khi xét giải đều được văn phòng Cục Xuất bản, in và phát hành xem lại để đảm bảo phù hợp về mặt thủ tục, quy định.