Bởi lẽ, nếu đúng như thông báo của đơn vị chủ quản, chưa đầy một tháng nữa, nếu không ký lại hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh, các tiểu thương sẽ bị lấy lại quầy hàng. Nhiều lần tiểu thương đã đến công ty đề nghị đối thoại, không ít lần làm đơn thư phản ánh, nhưng kết quả không như mong muốn.
Gắn bó nhiều thế hệ
Sau vài lần thay đổi cơ chế, đến nay Trung tâm thương mại dịch vụ Đại Quang Minh (gọi tắt là TTTM Đại Quang Minh) thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Sài Gòn (Công ty Satraseco). Do một số điểm chưa đồng thuận, tại thời điểm này, nhiều quầy sạp trong TTTM Đại Quang Minh treo tấm bảng mica màu đỏ, nền vàng ghi rõ các nguyện vọng: “Yêu cầu Ban giám đốc Satraseco đối thoại với tập thể tiểu thương!”, “Phản đối Satraseco chiếm dụng vốn”, “Cực lực phản đối Satraseco tăng giá thuê trên 200%”…
Bà Trần Thị Liễu, quầy B3, cho biết: “Ở chợ truyền thống này có hơn 80% chủ sạp đã trải qua 3 đời kinh doanh, tương đương hơn 30 năm. Như gia đình tôi được chuyển về chợ Kim Biên, rồi trung tâm thương mại số 2 và cuối cùng là về đây. Sau ngần ấy năm hoạt động, trung tâm đang xuống cấp nghiêm trọng. Mái dột, nền bong tróc gạch, do đó, chúng tôi đã đồng ý tăng giá thuê quầy sạp để công ty có kinh phí sửa chữa. Cụ thể, trước dịch Covid-19, chúng tôi đã đồng ý tăng giá thuê 10%. Việc tăng giá thuê quầy sạp diễn ra bình thường, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ vì trượt giá và chi phí đó để xây dựng, cải tạo chợ. Chúng tôi rất phấn khởi khi công ty giảm giá 50% chi phí thuê quầy sạp trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, ngay sau khi hoạt động trở lại thì giá thuê quầy sạp tăng 10%. Hơn 8 tháng không có thu nhập, chúng tôi vẫn “bấm bụng” thể hiện thiện chí của mình. Tuy nhiên, gần đây, hàng loạt thông báo của công ty với tiểu thương đã khiến cho chúng tôi hoang mang, lo lắng!”.
Bức xúc của bà Liễu cũng là nỗi lo của nhiều tiểu thương khác. Bởi lẽ, tại thời điểm này, TTTM Đại Quang Minh vẫn chưa có bãi xe riêng, hàng trăm tiểu thương nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh với 3 phòng, gạch lót nền bong tróc, trần chợ nhiều chỗ bị hư hỏng nặng.
Bất đồng giá thuê quầy sạp
Tháng 3-2022, Phó Tổng Giám đốc Công ty Satraseco Nguyễn Thị Hoàng Yến đã gửi thông báo đến từng tiểu thương về việc ký kết lại hợp đồng thuê quầy sạp. Nếu khách hàng muốn tiếp tục thuê quầy sạp, hợp đồng cũ sẽ được gia hạn đến hết ngày 30-6-2022. Chủ quầy 3-6/35 và 6/33 cho biết: “Từ năm 2017 giá thuê mặt bằng đã tăng. Đến tháng 6-2022 là 25.590.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, giá thuê mới đến ngày 1-1-2023 mà Công ty Satraseco dự kiến là 54.990.000 đồng/tháng. Như vậy, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2022, Công ty Satraseco đã tăng giá thuê 214,9%. Chưa hết, công ty còn thông báo chu kỳ tăng giá là 6 tháng 1 lần. Cụ thể, từ 1-7 đến hết năm 2022 giá 41.240.000 đồng/tháng. Từ 1-1-2023 đến 30-6-2023 là 54.990.000 đồng/tháng, tăng 133,4%. Thông báo mới còn quy định chúng tôi phải đặt cọc 3 tháng nhằm đảm bảo nghĩa vụ trong suốt quá trình thuê. Theo nhiều tiểu thương thì đây chính là một hình thức chiếm dụng vốn”.
Trước diễn biến tiền thuê quầy tăng cao và ký quỹ, đặt cọc để tái ký hợp đồng, các tiểu thương đã nhiều lần gửi đơn, thư đến công ty và các cơ quan chức năng. Nhiều tiểu thương đã đến tận công ty đề nghị đối thoại tập thể. Tuy nhiên, đến nay đơn vị chủ quản vẫn chưa đáp ứng.
Ngày 1-6, trong công văn gửi Công ty Satraseco, ông Nguyễn Hoàng Tấn, lãnh đạo Công ty TNHH TM-SX Tuấn Hiền, chủ quầy sạp A10, khẩn khoản đề xuất một cuộc đối thoại tập thể với sự có mặt của lãnh đạo các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương để giải quyết vụ việc.
Ông Tấn cho biết: “Là một trong những tiểu thương đã có mặt tại trung tâm này kể từ những ngày đầu thành lập, điều này có nghĩa là trước khi công ty tiếp nhận và quản lý, chúng tôi đã đóng góp rất nhiều cho sự hoạt động và uy tín của chợ đầu mối truyền thống này. Chúng tôi nhận mặt bằng trống và tự thiết kế, xây dựng quầy sạp. Do vậy, chúng tôi không biết phải bồi thường thiệt hại như thế nào đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả mặt bằng. Tiền đặt cọc 3 tháng là khá cao và là một hình thức mới. Bởi lẽ, các chợ và trung tâm thương mại khác đang hoạt động trên địa bàn quận 5 đều không có quy định này”.
Tăng tiền thuê mặt bằng, quầy sạp; đặt cọc bao nhiêu cho việc tái ký hợp đồng là việc giữa chủ sở hữu TTTM Đại Quang Minh và tiểu thương. Sự đồng thuận giữa các bên là mục tiêu hướng đến tại thời điểm này để duy trì hoạt động của một chợ truyền thống chuyên ngành. Muốn vậy, các bên liên quan cần thiết phải tổ chức đối thoại, bày tỏ tận tường mọi lẽ để giải quyết vấn đề. Chỉ có vậy mới có thể xoa dịu được tình hình đang rất căng thẳng ở chợ truyền thống phụ kiện may lớn nhất nhì cả nước.
Ngày 30-5, Tổng Giám đốc Công ty Satraseco Phạm Thế Hanh đã ký thông báo gửi các tiểu thương khẳng định việc tái ký hợp đồng là phù hợp quy định của pháp luật, nhằm mục đích các bên tiến tới thỏa thuận để ký hợp đồng. Công ty Satraseco sẽ không chấp nhận việc bị ép giá, ép buộc giữ giá để ký hợp đồng. Công ty sẽ không tái ký hợp đồng với các khách hàng không hợp tác, có các hành vi xúi giục, lôi kéo, tụ tập gây rối làm mất an ninh trật tự. Trong trường hợp khách hàng và công ty không thể thống nhất được việc ký kết hợp đồng, công ty buộc lòng phải tiến hành thủ tục thanh lý hợp đồng và thu hồi quầy sạp… |