Theo giải trình của BV, ngày 15-7-2013, BV nhận được thư hiến tặng thuốc Tasigna theo chương trình 3 bên gồm BV Truyền máu và Huyết học TP, Tổ chức The Max Foundation-Mỹ, Công ty Novartis Pharma Services AG-Thuỵ Sỹ lập biên bản ghi nhớ. Đây là chương trình hỗ trợ bệnh nhân Việt Nam dùng thuốc theo thỏa thuận tài trợ.
Vào ngày 26-11-2013, BV nhận được bộ chứng từ để đi làm các thủ tục xin phép các cấp có thẩm quyền (Sở Y tế, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM, UBND TP, Cục Quản lý Dược, Sở tài chính…).
Đến ngày 21-7-2014, BV nhận được văn bản đồng ý của Sở tài chính và báo cáo Công ty Novartis chuyển số lô thuốc về Việt Nam và đến ngày 27-7-2014 số lô thuốc đã về tới cảng Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, đến thời điểm đó, Chi cục Hải quan TPHCM không đồng ý cho BV tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ do hạn dùng dưới 12 tháng (Theo Thông tư số 47/2010/TT-BYT), nên BV tiếp tục gửi công văn trình lên Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM và Cục Hải quan để xem xét, hỗ trợ giải quyết.
Và cuối cùng, đến ngày 13-8-2014, BV cũng đã nhập kho lô thuốc trên, đến thời điểm này, hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng.
Như vậy, tính từ khi BV nhận được thư hiến tặng thuốc cho đến khi thuốc nhập kho bệnh viện mất đến 13 tháng.
Thanh tra TP cho biết, do quá trình lập thủ tục xin tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ kéo dài từ tháng 11-2013 đến tháng 8-2014, hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng dẫn đến bệnh viện còn tồn 19.997 viên/tổng số 34.608 viên thuốc không sử dụng hết phải hủy bỏ gây lãng phí số thuốc có giá trị lớn (tổng giá trị 13.998.639.889 đồng - theo đơn giá tháng 8-2015 là 700.037 đồng/viên - tư liệu thanh tra).
Theo ông Phù Chí Dũng, vì lý do, tiêu chuẩn của người bệnh là phải đủ điều kiện tham gia chương trình Tasigna copay (chương trình thuốc dành cho người bệnh mắc bệnh Bạch cầu mạn dòng tủy kháng Glivec của GIPAP) đã giảm nhiều so với dự kiến ban đầu, nguyên nhân là do quy định tham gia Tasigna copay là chương trình đồng chi trả chứ không phải cung cấp thuốc miễn phí. Do đó BV phải chờ thêm thời gian để người bệnh thực hiện mua thuốc lần đầu.
Ông Dũng cho biết đây là thủ tục bắt buộc để được tham gia chương trình do tổ chức Max Foundation quy định và là đơn vị xét duyệt bệnh nhân có được vào chương trình Tasigna copay. Cho nên, số người tham gia vào chương trình chỉ bằng một nửa so với dự trù, vì vậy không kịp sử dụng thuốc dẫn đến hết hạn.
Và tháng 8-2015, Sở Y tế có văn bản đồng ý cho BV tiêu hủy 19.997 viên thuốc Tasigna, tuy nhiên đến thời điểm thanh tra (tháng 12-2016), BV vẫn tồn kho số thuốc này chưa tiêu hủy.
Theo BS Dũng thì giá thuốc ở thời điểm năm 2015 chỉ 199.000 đồng/viên (tư liệu thanh tra là 700.000 đồng/viên), vì vậy tổng giá trị gần 20.000 viên thuốc bị tiêu hủy của BV Truyền máu Huyết học TPHCM là gần 4 tỷ đồng.
Chiều cùng ngày, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Sở Y tế TPHCM khẩn trương rà soát, làm rõ vụ việc tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc Tasigna này và có báo cáo về Vụ Bảo hiểm Y tế và Cục Quản lý Dược trước ngày 7-5.