Theo thông cáo báo chí mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi báo chí hôm nay (12-4) về nguyên nhân tiền điện của khách hàng tăng cao trong kỳ hóa đơn tháng 4-2020 thì đây là “hiện tượng có tính quy luật thời tiết hàng năm”.
Ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng, điển hình như tháng 3 năm nay còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ C.
EVN đưa ra lý do như sau: Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn.
“Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó.”- EVN nêu.
Cụ thể, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3-2020 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng TP Hà Nội tăng 17% và TPHCM tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có báo cáo, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ khách hàng sử dụng điện với Bộ Công thương và Chính phủ trong thời gian dịch Covid-19 đang xảy ra. Bộ Công thương cũng đã chính thức đề xuất Chính phủ phương án giảm giá điện, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2020, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 theo đề xuất của Bộ Công thương.
Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, thời gian áp dụng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết huy động đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai ngay khi có quyết định và hướng dẫn thực hiện việc giảm giá điện.