Ngày 17-4-2006, Cục Quản lý Dược đã quyết định thu hồi và rút số đăng ký 12 loại biệt dược chứa hoạt chất Astemizol đang lưu hành trên thị trường Việt Nam. Tại sao?
- Vài nét về thuốc chống dị ứng
Hiện tượng dị ứng rất thường gặp trong cuộc sống. Nguyên nhân là do Histamin được phóng thích tự do trong cơ thể gây ra các biểu hiện như nổi mẩn ngứa, mề đay, sổ mũi, tụt huyết áp do mao mạch bị dãn nở, hen suyễn, khó thở… Trường hợp dị ứng nặng có thể dẫn đến tử vong.
Trước đây, để chống lại tình trạng dị ứng, người ta thường dùng các thuốc kháng Histamin cổ điển như chlorpheniramin… Ngày nay, nhóm thuốc này không còn dùng nhiều trong trị liệu đơn lẻ nhưng lại thường được phối hợp trong nhiều loại thuốc trị cảm cúm, sổ mũi, thuốc chống ho do dị ứng thời tiết… Các thuốc này có điều bất tiện là thời gian tác dụng ngắn (từ 4-6 giờ) nên phải uống 3-4 lần trong ngày và có phản ứng phụ gây buồn ngủ.
Các thuốc chống dị ứng thế hệ thứ hai ra đời nhằm tăng thời gian tác dụng của thuốc đồng thời hạn chế tác dụng phụ gây buồn ngủ của các nhóm thuốc chống dị ứng cổ điển. Người bệnh chỉ cần uống một hoặc hai viên trong ngày và vẫn có thể làm việc bình thường. Được khen ngợi nhất là nhóm thuốc Astemizol với tên thương mại là Hismanal.
- Astemizol là thuốc gì?
Đây là thuốc kháng Histamin thế hệ mới (với các tên thương mại quen thuộc như Hismanal, Astelong…) tác động lên thụ thể H1 nhưng không tác động lên hệ thần kinh trung ương và không kháng tiết choline. Tiện lợi của thuốc là ít gây buồn ngủ, ít làm chậm các khả năng hoạt động của trí tuệ, chỉ cần dùng một viên trong ngày. Tuy nhiên, các thuốc chống dị ứng thế hệ mới cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ vì một số thuốc không dùng được cho trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người bị suy giảm chức năng gan.
- Vì sao Astemizol bị ngưng lưu hành?
Việc sử dụng Astemizol phối hợp với một số thuốc khác hoặc với một số thực phẩm có thể tạo nên những phản ứng phụ tuy hiếm gặp nhưng gây nguy hại cho tim như làm thay đổi nhịp đập của tim. Trong các liệu trình điều trị, một số thuốc kháng sinh cũng như một số thuốc kháng nấm thường dùng chung với Astemizol đã tạo tác dụng cộng hưởng làm gia tăng nồng độ lượng Astemizol trong máu. Một số thuốc cũng như thực phẩm khác như nước bưởi cũng làm gia tăng nồng độ Astemizol có thể lên đến mức gây độc cho bệnh nhân dùng thuốc.
Được bán ra thị trường năm 1984, đến năm 1997, Hismanal được rút ra khỏi nhóm thuốc không cần toa và trở lại chế độ kê toa. Tuy nhiên, số thuốc có thể tương tác với Astemizol không ngừng tăng lên nên Hismanal 10mg đã ngưng phát hành trên thị trường Canada từ tháng 3-1999 và tại Mỹ từ tháng 6-1999. Ngoài ra, Astemizol còn gây ra nhiều tác dụng phụ khác như khô miệng, làm tăng tiết các dịch tiết ở phổi, táo bón, rối loạn thị giác, tăng cảm ứng ánh sáng, rối loạn thăng bằng, gây kích thích ở trẻ em và người cao tuổi. Vì thế, việc sản xuất Astemizol được chấm dứt từ năm 1999 do đã có nhiều thuốc dị ứng mới được phép lưu hành không gây loạn nhịp tim như loratadin hoặc fexofenadin…
Như vậy, các biệt dược chứa hoạt chất Astemizol 10mg hoặc 5mg do nước ngoài hoặc VN sản xuất không còn được phép lưu hành.
DS TRƯƠNG TẤT THỌ