Vì sao thiếu vaccine trên toàn quốc?

Phần lớn các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng là sản xuất trong nước nhưng theo quy định hiện hành phải trải qua rất nhiều quy trình (9 bước) để mua sắm. Trong khi tới tháng 8 vừa qua, Bộ Y tế mới được cấp kinh phí để mua vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Chiều 15-12, tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp các thông tin y tế được dư luận quan tâm do Bộ Y tế tổ chức, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trả lời các vấn đề liên quan tới tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các giải pháp giải quyết tình trạng này.

11-1827.jpeg
Bà Dương Thị Hồng trả lời báo chí về tình trạng thiếu vaccine trên quy mô toàn quốc

Theo đó, lý giải về tình trạng thiếu vaccine kéo dài nhiều tháng qua, bà Hồng cho biết, tới tháng 8 vừa rồi, Bộ Y tế mới được cấp kinh phí để mua vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

"Thực tiễn, chúng tôi đã có kế hoạch cung ứng vaccine từ năm 2022, cho nên số vaccine được gối đầu sang năm 2023 cũng hỗ trợ được phần nào thời gian qua. Chúng ta thiếu vaccine “5 trong 1” từ tháng 2 và thiếu vaccine DPT tiêm nhắc lại phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván. Hầu hết vaccine còn lại được cung ứng đến tháng 10", bà Hồng chia sẻ và cho biết hiện nay đã ghi nhận tình trạng thiếu hầu hết vaccine ở trên quy mô toàn quốc.

410601764-10219434379449463-2441640882864804987-n-945.jpg
Cuộc gặp gỡ báo chí của Bộ Y tế chiều 15-12

Trước tình trạng này, để sớm bảo vệ trẻ em trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, Bộ Y tế đã vận động các nguồn tài trợ. Tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã nhận được hơn 250.000 liều vaccine “5 trong 1” và tối 15-12 tiếp tục nhận 490.600 liều vaccine “5 trong 1”.

“Các vaccine viện trợ có chỉ định để tiêm chủng cho trẻ em đến 18 tháng tuổi nên chúng ta hoàn toàn triển khai tiêm sớm cho các cháu”, bà Hồng cho biết. Đồng thời khẳng định dù thời gian qua có tình trạng thiếu vaccine, nhưng số trẻ được tiêm chủng các loại vaccine trên quy mô toàn quốc vẫn đạt 66% và tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine “5 trong 1” đạt 52,6%.

Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, hiện nay, phần lớn các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng là sản xuất trong nước. Theo quy định hiện hành phải trải qua rất nhiều quy trình (9 bước) để mua sắm. Hiện nay, Bộ Y tế đã thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể. Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để giải quyết vấn đề này và dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2023.

"Ngay sau khi có giá vaccine, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ khẩn trương ký các hợp đồng với đơn vị cung ứng vaccine. Hiện nay, các nhà sản xuất trong nước đã có số lượng vaccine nhất định để giao ngay cho viện khi hoàn tất các thủ tục tài chính", bà Hồng thông tin và nhấn mạnh việc tập trung giải quyết tình trạng thiếu vaccine là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình tiêm chủng mở rộng trong quý 1-2024.

Tin cùng chuyên mục