Vì sao thiếu điện?

Trong khi nguồn điện tái tạo đang dư thừa thì hệ thống điện quốc gia năm 2023 lại đứng trước nguy cơ thiếu điện do thời tiết cực đoan, ngày càng nhiều thủy điện xuống mức nước chết. Tại sao?

Cắt điện triền miên

Ông Lương Văn Thiện, cư dân chung cư Him Lam Nam Sài Gòn (ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM), cho biết, vào trung tuần tháng 5-2023, Công ty Điện lực Bình Chánh đã gửi đến gia đình ông thông báo: Do bảo trì lưới điện, việc cung cấp điện cho khách hàng tạm gián đoạn từ 8 giờ đến 14 giờ ngày 18-5. Đến ngày 21-5, công ty lại tiếp tục thông báo: Do sự cố lưới điện, việc cung cấp điện cho khách hàng tạm gián đoạn từ 12 giờ 3 phút đến 14 giờ 3 phút cùng ngày. Ông Thiện bức xúc: “Mùa hè nóng bức, nhà lại có con nhỏ, trong vòng 1 tuần có đến 2 lần cúp điện vào ban trưa. Chung cư có cả ngàn dân, trong đó phân nửa là trẻ nhỏ”.

Công nhân điện lực ở Hà Nội vận động người dân thực hiện tiết kiệm điện trước tình hình thiếu điện mùa hè 2023

Công nhân điện lực ở Hà Nội vận động người dân thực hiện tiết kiệm điện trước tình hình thiếu điện mùa hè 2023

Ngày 17-5 vừa qua, toàn bộ Khu công nghiệp Phú An Thạnh (nằm trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An) bị cúp điện. Mới nhất, Điện lực Bến Lức thông tin đến một khách hàng là Công ty TNHH MTV Phú An Thạnh về việc cắt điện từ 7 giờ đến 17 giờ ngày 27-5.

Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (nằm trong Khu công nghiệp Phú An Thạnh) kinh doanh chiếu xạ thanh long và thủy hải sản trước khi xuất khẩu. Việc bị cắt điện thường xuyên trong tháng 5-2023 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng. Từ đầu tháng 5-2023 đến nay, công ty phải tốn thêm tiền dầu khoảng 50 triệu đồng để chạy máy phát điện.

Ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, 1 tuần trở lại đây, một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở TPHCM nhận được thông báo cắt điện từ 8 giờ đến 14 giờ. Nếu bị cúp điện, các nhà máy phải khởi động hệ thống máy phát điện dự phòng thì mới có thể vận hành kho lạnh.

Nguồn điện tái tạo đang... dư thừa!

Thiếu điện và phải cắt điện luân phiên không chỉ xảy ra ở khu vực phía Nam mà còn xảy ra tại miền Bắc và miền Trung những ngày nắng nóng vừa qua. Nguyên nhân chính là do thủy điện thiếu nước nghiêm trọng.

Ngày 22-5, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thông tin, đến thời điểm này, đã có 18/47 hồ thủy điện lớn ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ xuống mực nước chết; 20/47 hồ thủy điện có dung tích còn lại dưới 20%. Theo lãnh đạo EVN, những tháng qua, lượng nước trên các dòng chảy về các hồ chứa thủy điện thấp nhất trong 100 năm qua. “Tính đến ngày 21-5, sản lượng điện còn lại trong các hồ chứa chỉ còn khoảng 29 tỷ kWh - thấp hơn 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm”, ông Nhân xác nhận.

Trong khi đó, do nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng điện tăng rất cao trên cả nước. Ông Nhân cho biết, ngày 19-5, mức tiêu thụ điện đã đạt kỷ lục là 924 triệu kWh, công suất cực đại đạt 44,6GW - cao nhất từ trước đến nay. “Chúng ta thường xuyên ở tình trạng hệ thống không còn dự phòng. Để đảm bảo ổn định và an toàn cho hệ thống, EVN đã phải huy động tất cả các loại nguồn điện, kể cả nguồn đắt tiền từ dầu diesel, dầu FO”, ông Nhân chia sẻ.

Câu hỏi được dư luận đặt ra là: Tại sao hệ thống lại thiếu điện, trong khi nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đang dư thừa, nhiều nhà máy đã hoàn thành đầu tư nhưng phải “đắp chiếu” (không thể phát điện lên hệ thống)? Theo thống kê, hiện có 85 nhà máy điện tái tạo thuộc danh sách chuyển tiếp chưa thể vận hành thương mại. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 22-5, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, thông tin, nguồn điện tái tạo hiện nay đang chiếm khoảng 27% công suất lắp đặt và đang cung cấp khoảng 13% sản lượng điện so với tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống. Như vậy, sản lượng huy động của điện tái tạo so với các loại hình khác như thủy điện, nhiệt điện là chưa đáng kể.

Ông Lâm giải thích, điện tái tạo có tính chất bất định và độ tin cậy không cao vì nguồn phát không ổn định. Bởi, điện mặt trời chỉ mạnh vào buổi trưa mà chưa lưu trữ được đến giờ cao điểm, nên vẫn thiếu. Tương tự, điện gió chỉ mạnh vào các tháng 12, 1 và 2, thậm chí cường độ biến động giữa các thời điểm trong ngày. Do đó, Việt Nam vẫn có nguy cơ thiếu điện dù thừa điện gió, điện mặt trời. Để ổn định công suất cho hệ thống vẫn phải trông cậy thủy điện, nhiệt điện.

Trong bối cảnh thiếu điện nghiêm trọng hiện nay, ông Lâm khẳng định, EVN sẽ huy động tối đa toàn bộ nguồn năng lượng tái tạo để sẵn sàng đấu nối hệ thống điện, giảm tải cho tình trạng thiếu điện dự báo sẽ còn căng thẳng trong các tháng tới.

Tính đến ngày 21-5, Bộ Công thương đã phê duyệt giá bán điện tạm tính cho 15/37 dự án điện tái tạo chuyển tiếp (công suất 1.200MW) và các dự án này đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị phát điện lên lưới. Ông Lâm cũng cho biết, do nắng nóng, dự báo thời gian tới, nhu cầu sử dụng điện có thể tiếp tục vượt các kỷ lục. “EVN sẽ vận hành hệ thống điện linh hoạt hơn, bám sát hơn nhu cầu sử dụng thực tế và diễn biến của thời tiết; chia nhỏ và chi tiết hơn các phương án vận hành, điều tiết nguồn…”, ông Lâm nói.

Quảng Ninh: Hai địa phương sẽ sử dụng điện mua của Trung Quốc

Ngày 22-5, tại TP Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), đoàn công tác của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã có cuộc làm việc với Công ty Lưới điện Quảng Tây (Trung Quốc) để đàm phán về hợp đồng mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với Công ty Lưới điện Quảng Tây.

Trong các tháng 5, 6 và 7, điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp cho trạm 110kV Móng Cái (TP Móng Cái) và 110kV Quảng Hà (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh). Dự kiến, ngày 23-5, hai bên sẽ ký kết hợp đồng mua bán điện và 0 giờ ngày 24-5 sẽ chính thức đóng điện từ Thâm Câu (Trung Quốc) sang Việt Nam qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái.

Chiều cùng ngày, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình cung ứng điện và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc.

PHÚC VĂN

Tin cùng chuyên mục