Theo ông Cao Xuân Phụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên- Huế, xuất phát từ chủ trương muốn giải quyết đất ở cho dân cư đang sinh sống và công tác trên địa bàn, từ năm 2003 đến nay, các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền đã mạnh dạn kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho hàng loạt khu tái định cư (KTĐC).
Lãnh đạo các huyện đã có văn bản cam kết với đơn vị đầu tư “sau khi phân lô xong (diện tích 150-200m2/lô bán với giá từ 70-100 triệu đồng/lô) sẽ bán ngay cho những hộ dân có nhu cầu mua đất làm nhà ở. Số tiền thu được sẽ hoàn trả lại cho nhà đầu tư”. Chủ trương, kế hoạch là thế nhưng khi niêm yết giá bán cho từng lô đất thì chẳng có người dân nào đoái hoài mặc dù họ có nhu cầu mua đất để tách hộ.
Ông Phan Đình Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng, Giám đốc KTĐC Cồn Kêu huyện Quảng Điền nhìn nhận: Quảng Điền cũng như Phú Vang, Phong Điền không phải là mảnh đất để thu hút người dân nơi khác đến sinh sống và kinh doanh. Còn người dân ở đấy, phần lớn làm ruộng, đời sống kinh tế khó khăn nên không thể bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua đất để xây dựng nhà ở. Để giải quyết tình cảnh ế ẩm này, sắp tới bên đầu tư sẽ bàn bạc với UBND huyện để có chủ trương bán đất theo hình thức trả góp từ 1-2 năm cho những cán bộ công nhân viên đang công tác tại địa phương.
Ông Hoàng Trọng, Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền phân tích: Có 100 triệu đồng, những người có nhu cầu mua đất sẽ mua được một mảnh đất gần chợ hoặc gần trung tâm thị trấn để vừa làm nhà vừa có thể mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Trong khi đó hạ tầng cơ sở ở những KTĐC được đầu tư xây dựng chưa đồng bộ. Chẳng hạn, ở KTĐC Tây Thành, nhà đầu tư đã dựng hệ thống cột điện nhưng đến nay vẫn chưa kéo dây dẫn điện KTĐC Cồn Kêu đã lắp đặt xong ống dẫn nước nhưng vẫn chưa có nước.
Bên cạnh đó, chủ trương chính sách đầu tư và kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn chưa thật khả thi. Tại kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh vừa qua, đại diện Ban Kinh tế- Ngân sách của HĐND tỉnh phân tích: Thời gian qua, nhiều dự án xây dựng tại tỉnh Thừa Thiên- Huế đã được triển khai, nhưng việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn dàn trải, thiếu hợp lý. Hơn nữa, nguồn nhân lực điều hành, quản lý vốn đầu tư vừa thiếu lại vừa yếu nên nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai theo kế hoạch đã đề ra trước khi triển khai thực hiện.
Từ những nguyên nhân trên, thiết nghĩ, ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế cần nhanh chóng có những điều chỉnh hợp lý trong việc bàn giao đất từ phía cơ quan chủ quản, tránh tình trạng lãng phí làm cho công trình xây dựng lâm vào tình trạng xuống cấp kéo dài như hiện nay.
Vũ Văn Thắng