Đánh giá Việt Nam là đối thủ khó chịu nhất trong số các đội bóng cùng tham dự SEA Games 28, có thể lật đổ sự thống trị của mình bất cứ lúc nào. Ban huấn luyện đội tuyển nam Thái Lan đã áp dụng chiến thuật phân tích và tư vấn ngay tại sân thi đấu của các chuyên gia hàng đầu. Tất nhiên, để phục vụ mục đích này, tất cả đều được trang bị bộ đàm theo công nghệ hiện đại.
Đội ngũ giám sát hỗ trợ HLV trưởng Monchai trong lúc thi đấu.
Theo đó, “kiến trúc sư” Kiattipong cùng 2 chuyên gia của Liên đoàn Bóng chuyền Thái Lan ngồi ở khu vực riêng, liên tiếp đánh giá và phân tích các vị trí trên sân, lối chơi cũng như điểm mạnh và yếu của Từ Thanh Thuận, Nguyễn Hữu Hà, Nguyễn Hoàng Thương và đặc biệt là cây chuyền 2 Giang Văn Đức, trước khi tư vấn cho HLV trưởng Monchai chỉ đạo các học trò thay đổi chiến thuật trong sân.
Nhờ tai nghe, HLV Monchai kịp thời nhận sự hỗ trợ của đội ngũ giám sát từ bên ngoài. Ảnh: DƯ HẢI
Đấy là lý do, khi lối chơi của tuyển Việt Nam mới vừa hừng lên, các học trò của ông Monchai đã tìm ra cách khắc chế, lúc đánh nhanh, khi giữ nhịp hoặc thật chậm để gây ức chế cho các VĐV Việt Nam. Thành ra, bộ phận quan trọng nhất của Thái Lan trong trận chung kết hôm qua với Việt Nam không phải là BHL ngồi ở khu kỹ thuật mà chính là “kiến trúc sư” Kiattipong và các đồng nghiệp ở khu “đọc trận đấu”.
Đấy là cách làm chuyên nghiệp mà người Thái luôn áp dụng cho tất cả các đấu trường tham dự, từ khu vực cho đến châu Á và thế giới. Thành công của bóng chuyền Thái Lan xem ra cũng được bắt nguồn từ đó.
THANH LÂM