3 bị cáo bị đưa xét xử gồm: Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội "Vô ý làm chết người", Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) và bác sĩ Hoàng Công Lương (bác sĩ ở đơn nguyên thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cùng bị truy tố về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Phiên tòa xét xử 3 bị cáo liên quan tới vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được dư luận xã hội, nhất là giới y khoa rất quan tâm vì vụ việc này là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất từ trước tới nay và việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố với tội danh nêu trên có rất nhiều ý kiến cho rằng chưa khách quan và thuyết phục.
Tại phiên tòa xét xử sáng nay đã có rất đông phóng viên các báo và người dân tới theo dõi phiên tòa trong tình hình an ninh xung quanh TAND TP Hòa Bình được thắt chặt nghiêm ngặt. Tất cả những cá nhân tới tham dự phiên tòa đều phải qua kiểm tra chặt chẽ của lực lượng Công an.
Sau khi 3 bị cáo được đưa tới tòa, đúng 8 giờ 30, Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh, Chủ tọa phiên tòa đã công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Có mặt tại tòa, bác sĩ Hoàng Công Lương đã trả lời rõ ràng các câu hỏi của thư ký cũng như chủ tọa phiên tòa trong quá trình kiểm tra căn cước các bị cáo.
Tuy nhiên, đáng chú ý, trong quá trình làm thủ tục, các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo đều vắng mặt và đề nghị hoãn phiên tòa. Một số đại diện của người bị hại cũng có đơn xin vắng mặt. Trong đó, ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) và đại diện Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh là những người được triệu tập tới tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn xin vắng mặt.
Trước việc vắng mặt của các luật sư và một số cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án, HĐXX hỏi ý kiến các bị cáo về việc có muốn tiếp tục phiên xử hay không? Trước tòa, bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 2 bị cáo đều có ý kiến là cần phải có các luật sư bào chữa nếu phiên tòa tiếp tục diễn ra.
Về phía luật sư Nguyễn Hoàng Trung, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 8 nạn nhân cũng đề nghị hoãn phiên tòa vì vắng mặt một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án.
Trước ý kiến của các bị cáo và luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, đại diện Viện kiểm sát TP Hòa Bình giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng có ý kiến đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Do đó, sau khi tiến hành hội ý, HĐXX TAND TP Hòa Bình đã quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan tới vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 bệnh nhân tử vong.
Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 15-5 tới.
Theo cáo trạng vụ án, bác sĩ Hoàng Công Lương được Trưởng khoa giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại Đơn nguyên thận nhân tạo.
Ngày 20-4-2017, bác sĩ Hoàng Công Lương thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và biết rõ việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28- 5-2017. Do đó với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bác sĩ Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của Trưởng khoa.
Tuy nhiên sáng, 29-5-2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì bác sĩ Hoàng Công Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu tại Đơn nguyên thận nhân tạo diễn ra bình thường, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong.
Trước đó vào sáng 29-5-2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu bất thường với các biểu hiện của nhiễm độc, sốc phản vệ. Sau đó, 8 bệnh nhân chạy thận lần lượt tử vong, 10 bệnh nhân còn lại được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu và được cứu sống.