Chiều 17-1, Công an TPHCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin quá trình điều tra vụ sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới ở TPHCM và nhiều tỉnh thành.
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM cho biết, đến nay, công an đã khởi tố 89 bị can về các tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", “Môi giới hối lộ", "Giả mạo trong công tác". Trong đó có bị can Đặng Việt Hà (Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam), lãnh đạo, nhân viên phòng kiểm định xe cơ giới; giám đốc, phó giám đốc, nhân viên của các TTĐK và các đối tượng khác có liên quan.
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM xác định trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 8-2021, ông Trần Kỳ Hình (62 tuổi, ngụ TP Hà Nội) với vai trò là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trực tiếp hoặc thông qua bị can Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng Kiểm định phương tiện cơ giới) nhận tiền hối lộ của một số giám đốc TTĐK để ký duyệt cấp mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm dù các trung tâm đăng kiểm này chưa đủ các điều kiện theo quy định.
Trưởng phòng PC02 cho biết, trong thời gian đảm nhận chức vụ Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị can Trần Kỳ Hình đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, trực tiếp nhận tiền hối lộ định kỳ hàng tháng, quý của các giám đốc TTĐK nhằm bỏ qua sai phạm của các TTĐK trong việc nhận tiền hối lộ của chủ xe, đối tượng môi giới. Qua đó cấp giấy chứng nhận đăng kiểm đối với các phương tiện xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Công an TPHCM tại buổi họp báo. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Ngày 17-1-2023, Công an TPHCM đã khởi tố bị can đối với ông Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) về hành vi nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự. Cùng ngày, Viện KSND TPHCM đã phê chuẩn Quyết định này.
Bên cạnh đó, từ kết quả khám xét tại TTĐK 71-02D (tỉnh Bến Tre) phát hiện việc các bị can là Phó Giám đốc và đăng kiểm viên của TTĐK này có sử dụng phần mềm tính năng đọc (lấy) và sữa chữa các thông số kỹ thuật đối với xe cơ giới (tốc độ, nồng độ khí thải, tốc độ cầm chừng, tốc độ cực đại, hệ số K...) để can thiệp, chỉnh sửa kết quả kiểm định khí thải của xe cơ giới.
Ngoài ra, quá trình điều tra, Công an TPHCM xác định Hoàng Hữu Thịnh (sinh năm 1992, ngụ tỉnh Quảng Bình, nhân viên TTĐK 73-02D), Trương Duy Đức (sinh năm 1982, ngụ tỉnh Quảng Bình, nhân viên TTĐK 15-05D), Hồ Ngọc Nam (sinh năm 1989, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và Trần Thế Khánh Hổ (sinh năm 1989, ngụ tỉnh Khánh Hòa, nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Việt Net) đã bàn bạc thống nhất viết phần mềm.
Nhóm này dùng phần mềm để can thiệp trái phép vào cơ sở dữ liệu và chỉnh sửa thông số kiểm định xe cơ giới rồi mang đem bán cho một số TTĐK (trong đó có TTĐK 71-02D) để sử dụng vào mục đích trái pháp luật trong quá trình đăng kiểm xe cơ giới.
Đại tá Trần Văn Hiếu cho biết, Công an TPHCM đã khởi tố bị can đối với Hoàng Hữu Thịnh, Trương Duy Đức, Hồ Ngọc Nam, Trần Thế Khánh Hổ về tội “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự. Cùng ngày, Viện KSND TPHCM đã phê chuẩn các quyết định này.
Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó phòng PC02 thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó Phòng PC02 cho biết, trong quá trình điều tra vụ án trên thì Công an TPHCM không tạm đình chỉ các hoạt động của TTĐK. Việc hoạt động hay tạm đình chỉ TTĐK là trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Vừa qua, việc đăng kiểm xảy ra tình trạng quá tải ở một số cơ sở. Vì thế, cơ quan CSĐT đã phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam cho 4 TTĐK thuộc khối V (là 4 TTĐK có giám đốc, nhân viên bị khởi tố) hoạt động trở lại phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, các bị can bị bắt tạm giam ngày 17-1 có bị can Đức và bị can Thịnh là người viết ra phần mềm chỉnh sửa này cũng chính là nhân viên đăng kiểm trong ban giám đốc của các TTĐK.
Nhóm bị can bị khởi tố bắt tạm giam chiều 17-1. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Phó trưởng Phòng PC02 cho biết thêm, đến nay, các bị can thành khẩn khai báo nhận tội và quá trình điều tra sẽ làm rõ các tội danh khác.
Theo điều tra ban đầu, Công an TPHCM xác định, nhiều xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật (cơi nới thùng, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn) nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới. Các trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang và TPHCM khi kiểm định đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.