Ngày 5-4, khi Đoàn cưỡng chế do Cục THADS Khánh Hòa tổ chức với người đứng đầu là chấp hành viên Nguyễn Thái Hổ, Cục phó Cục THADS Khánh Hòa, tiến hành họp và kê biên tài sản tại Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cam Ranh (Công ty Cam Ranh), chúng tôi đã có mặt và đã ghi nhận đầy đủ những phát biểu của chấp hành viên Nguyễn Thái Hổ. Chấp hành viên Nguyễn Thái Hổ phát biểu đầy cảm tính mà không dựa theo các phán quyết trong các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Chưa kể, sau khi hoàn thành kê biên, đoàn cưỡng chế đã không trực tiếp ký vào biên bản kê biên trước mặt bên phải thi hành án là Công ty Cam Ranh theo quy định; biên bản kê biên được đem đi sau khi kết thúc cưỡng chế vào ngày 6-4 và đến ngày 13-4 mới được đem đến Công ty Cam Ranh, đề nghị đại diện công ty này ký vào khi các thành viên đoàn cưỡng chế đã ký xong trước đó, lúc nào không ai biết.
Vụ án kinh doanh thương mại giữa Công ty Cam Ranh và các nguyên đơn kéo dài hơn 10 năm, trải qua nhiều cấp xét xử, hồ sơ vụ án cân nặng khoảng 200kg. Tại sao một vụ án thương mại lại kéo dài đến vậy rất cần các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật và trả lời dư luận.
Cụ thể, Cục THADS tỉnh Khánh Hòa đã không thực hiện phán quyết của tòa, như:
Căn cứ Quyết định của bản án phúc thẩm số 11/2018/KDTM-PT ngày 25-5-2018 của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên xử; Tại Mục 3.1 của bản án số 11/2018/KDTM-PT nêu rõ: “Việc xử lý tài sản thế chấp Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/ĐS/CRS ngày 1-6-2006 được áp dụng theo Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2009/KDTM-ST ngày 24-9-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Quyết định số 47/2010/QĐ-PT ngày 15-9-2010 của Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng”.
Tại bản án sơ thẩm số 13/2009/KDTM-ST ngày 24-9-2009 của Tòa án tỉnh Khánh Hòa đã tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Võ Ngọc Hiệp – Chủ Xí nghiệp tư doanh chế biến thủy sản Cam Ranh phải trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam số tiền nợ gốc 15.770.000.000 đồng, tiền lãi 5.310.412.587 đồng, lãi phạt 2.038.437.896 đồng, tổng cộng nợ là 23.118.850.400 đồng.
Nếu ông Võ Ngọc Hiệp – Chủ Xí nghiệp tư doanh chế biến thủy sản Cam Ranh không thanh toán số nợ trên thì áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, bán tài sản đảm bảo là toàn bộ máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, công cụ, dụng cụ, ô tô... thuộc sở hữu của Xí nghiệp tư doanh chế biến thủy sản Cam Ranh tại nhà máy Cam Thịnh Đông và phân xưởng Nguyễn Thái Học theo hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/ĐS/CRS kèm theo phụ lục số 01B/CRS và 02B/CRS ngày 1-6-2006, giấy chứng nhận đăng ký tài sản thế chấp số C061000386BD01 ngày 24-10-2006 theo qui định của pháp luật về thi hành án dân sự. Số tiền thu được sau khi trừ chi phí phát sinh trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo được dùng để thanh toán nợ của Xí nghiệp tư doanh chế biến thủy sản Cam Ranh tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh Khánh Hòa theo tỉ lệ: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam được thanh toán theo tỉ lệ 37%, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam được thanh toán theo tỉ lệ 63%”.
Bản án số 13/2009/KDTM-ST ngày 24-9-2009 của Tòa án tỉnh Khánh Hòa có hiệu lực pháp luật, Chi cục THADS TP Cam Ranh ban hành Quyết định thi hành án số 168/QĐ-THA ngày 14-12-2010. Đến nay, Cục THADS tỉnh Khánh Hòa đã hoàn tất việc kê biên bán đấu giá tài sản trả nợ cho hai Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam theo Hợp đồng thỏa thuận số 01/HĐTT ngày 25-5-2006.
Tuy nhiên, Cục THADS tỉnh Khánh Hòa đã bỏ qua, không cho thi hành mục 3.1 Quyết định của bản án số 11/2018/KDTM-PT ngày 25-5-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cam Ranh. Trước đó, Chi Cục THADS TP Cam Ranh cũng đã sử dụng tiền thi hành án sai mục đích trong vụ án liên quan đến doanh nghiệp này.
Theo đơn tố cáo đề ngày 17-4-2022, ông Võ Ngọc Hiệp yêu cầu Cục THADS Khánh Hòa thu hồi số tiền 777.639.884 đồng mà cơ quan thi hành án dân sự đã làm sai. Cụ thể: Số tiền mà công ty Cam Ranh đã nộp tiền tại Chi cục THADS TP Cam Ranh (trong các năm 2012 và 2013) là: 1.173.359.202 đồng. Trong đó, số tiền nộp án phí là: 256.374.862 đồng. Số tiền còn lại để trả nợ cho bà Nguyễn Thị Nga, chủ DNTN Thủy sản Đắc Lộc theo Quyết định thi hành án số 03/QĐ-CCTHA ngày 01/10/2012 là: 916.984.340 đồng [1];
Tuy nhiên, ông Dương Diêu, thời điểm đó là Chi cục trưởng THADS TP Cam Ranh, lại tự ý phân bổ số tiền nêu trên để trả cho các Quyết định thi hành án khác (căn cứ Thông báo số 391/TB-THADS ngày 08/9/2014), và chỉ phân bổ trả cho bà Nguyễn Thị Nga, chủ DNTN Thủy sản Đắc Lộc số tiền: 139.344.456 đồng [2]; Đối soát chênh lệch hai số tiền [1] – [2] = 777.639.884 đồng.
Điều đáng nói là công ty Cam Ranh nộp số tiền trên vào các năm 2012, 2013 nhưng mãi đến tháng 9-2014 Chi cục THADS TP Cam Ranh mới có thông báo (số 391/TB-THADS ngày 8-9-2014). Bấy giờ, công ty Cam Ranh mới biết Chi cục THADS TP Cam Ranh và ông Chi cục trưởng Dương Diêu đã chi sai mục đích số tiền thi hành án. Ngày 17-4-2022, bằng công văn số 038/2022/CRSF Công ty Cam Ranh đã khiếu nại về việc thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản ngày 5-4-2022, mà cho đến nay, Cục THADS tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thụ lý giải quyết.
Riêng chấp hành viên, cục phó THADS Khánh Hòa Nguyễn Thái Hổ đã lồng ghép các Quyết định thi hành án khác để xử lý và theo công văn của Cục THADS tỉnh Khánh Hòa số 465/CTHADS-GQKNTC ngày 16-3-2022, có nêu:
“Theo Bản án số 11/KDTM-PT ngày 25-5-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; Quyết định Giám đốc thẩm số 02/2021/KDTM-GĐT ngày 28-4-2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Quyết định thi hành án số 243/QĐ-CTHADS ngày 24/4/2019 và Quyết định đình chỉ số 06/QĐ-CTHADS ngày 6-9-2021 của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa:
Các tài sản tại các Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh số 01. XNCR/2008/MMTB ngày 15-12-2008; Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh số 02. XNCR/2008 ngày 15-12-2008; Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh số 229.07/TC/ĐS ngày 27/9/2007; Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh số 02. HIEP/CTĐ/TC ngày 30-12-2009 khi kê biên “xử lý ưu tiên” trả nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”.
Đối chiếu với các bản án, quyết định của các cơ quan Tòa án hoàn toàn không có cụm từ “xử lý ưu tiên”. Phải chăng chấp hành viên Nguyễn Thái Hổ cố tình gán ghép để thực hiện bằng được xử lý các tài sản khác của Công ty Cam Ranh? Hành vi này đã vi phạm Khoản 8 Điều 21 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH 12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật 64/2014/QH 13 về những việc chấp hành viên không được làm, cụ thể: “Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.”
Bản án số 13/2009/KDTM-ST ngày 24-9-2009 của TAND tỉnh Khánh Hòa, thực hiện Quyết định thi hành án số 168/QĐ-THA ngày 14-12-2010, đã hoàn tất việc kê biên bán đấu giá tài sản trả nợ cho các ngân hàng nêu trên. Lý do vì sao chấp hành viên Nguyễn Thái Hổ không đưa vào xử lý?