Báo chí hỏi về việc tại sao lần tăng lương này, lương cơ sở tăng 30% mà lương hưu chỉ tăng 15%.
Trả lời, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, những lần điều chỉnh trước đã tăng lương hưu, nhất là khi chỉ số số CPI tăng, nếu cộng dồn vào thì lần này lương hưu chỉ cần tăng 11,5% là bằng với mức lương tăng cơ sở 30%. Tuy nhiên, sau khi tính toán, Chính phủ quyết định tăng 15%, đó là sự ưu tiên đối với người hưu trí. Còn nếu cộng dồn chỉ số CPI thì tăng lương cơ sở lần này phải hơn 30%.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, cải cách tiền lương, chúng ta đã lùi 3 lần, vẫn chưa thể thực hiện toàn diện chủ trương Nghị quyết 27 của trung ương về cải cách tiền lương. Sau nhiều lần họp, chúng ta thống nhất thực hiện 4 nội dung, còn 2 nội dung vẫn phải tiếp tục chuẩn bị.
Một trong nguyên nhân chính là do đề án vị trí việc làm, chúng ta chưa hoàn tất; chế độ phụ cấp lương, lương ở khu vực đơn vị sự nghiệp cũng cần phải tính toán. Hiện chỉ có 30% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ được, còn 70% nhà nước vẫn đang phải lo, nên nếu thực hiện cải cách tiền lương ngay thì rất khó khăn.
“Chúng ta phải hoàn thiện được đề án vị trí việc làm, từ vị trí việc làm để ra được lương của từng vị trí, thì mới cải cách tổng thể tiền lương. Cấp thẩm quyền chưa thông qua danh mục vị trí việc làm, cho nên chưa đủ điều kiện để có thể thông qua chính sách lương mới”, ông Đặng Thuần Phong cho biết.
Mặt khác, vấn đề bỏ phụ cấp nghề thâm niên của một số công chức, viên chức chuyên ngành, nếu bỏ thì nhiều người nhận lương sẽ rất thấp, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vì phụ cấp chiếm tới 45%. Do đó, nếu bỏ hết phụ cấp thì với chế độ tiền lương mới, lương của nhiều người lại thấp đi, do đó có rất nhiều tâm tư.
Rồi phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ trước và sau ngày 1-7-2024 Do đó có nhiều bất cập, chưa hài hòa giữa các đối tượng thụ hưởng...
Đó là lý do mà chúng ta cần phải để lại những nội dung này, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mới thực hiện được cải cách chính sách tiền lương đồng bộ để bảo đảm công bằng với mọi đối tượng. Cùng với đó là vấn đề chuẩn bị nguồn lực để tăng lương.
Báo chí cũng đặt câu hỏi tại sao chưa sửa thuế thu nhập cá nhân, dù tại kỳ họp thứ 7, đại biểu Quốc hội kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói nếu Quốc hội yêu cầu thì Chính phủ sẽ xây dựng hồ sơ.
Trả lời, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ rà soát, sửa đổi các luật về thuế. Khi đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị đẩy sớm thời gian sửa đổi mức chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy đề nghị đó là xác đáng.
Tuy nhiên, để sửa 1 luật cần có thời gian, quy trình, cần có sự tổng kết, đánh giá tác động của Chính phủ, sau đó mới hoàn thiện hồ sơ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, sau đó báo cáo Quốc hội. “Việc này cấp thiết thật, nhưng vẫn cần tuân theo các trình tự, thủ tục của việc xây dựng hồ sơ pháp luật”, bà Nguyễn Phương Thủy cho biết.