Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quyết định ưu tiên ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho một số lĩnh vực quan trọng, như: dành tối thiểu 20% tổng chi NSNN cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Dành không dưới 2% tổng chi NSNN cho lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Hàng năm, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN. Đối với lĩnh vực môi trường, bố trí chi sự nghiệp môi trường không dưới 1% tổng chi NSNN.
“Bám sát các yêu cầu này, trong dự toán NSNN hàng năm Chính phủ trình Quốc hội đều đảm bảo chi thường xuyên NSNN đối với các lĩnh vực trên. Tuy nhiên, đúng như ĐB nêu, thời gian qua, việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường NSTW chậm”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đó là, theo quy định để có cơ sở trình phân bổ dự toán, các nhiệm vụ phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tuy nhiên tại thời điểm trình Quốc hội về phân bổ dự toán NSNN (tháng 10 hàng năm), nhiều bộ, ngành và địa phương chưa phê duyệt nhiệm vụ do đó kinh phí trình Quốc hội phân bổ đợt 1 chỉ đạt khoảng 50-60%, có những trường hợp phân bổ trong năm, có trường hợp cuối năm mới phân bổ và có năm không phân bổ hết.
Nguyên nhân thứ hai, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đó là, theo quy định chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường có tính chất đầu tư theo Luật BVMT thì không cho phép, nên trong dự toán năm 2020, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng kinh phí hoạt động bảo vệ môi trường để chi cho các hoạt động cải tạo, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị, và Quốc hội đã cho phép.
Nguyên nhân thứ ba, đó là theo quyết định 508/2018/QĐ-TTCP về hỗ trợ các địa phương xử lý điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đó quy định, NSTW hỗ trợ 50%, ngân sách địa phương (NSĐP) bố trí 50% tổng kinh phí của dự án. Tuy nhiên, một số địa phương có khó khăn về ngân sách, không bố trí đối ứng 50% NSĐP và do vậy cũng không đề xuất NSTW hỗ trợ kinh phí.
Về giải pháp, người đứng đầu ngành tài chính cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương, các đơn vị sử dụng dự toán phải tăng tiến độ phê duyệt nhiệm vụ sự nghiệp môi trường, đảm bảo đến tháng 10 phải có quyết định phê duyệt này, khắc phục tình trạng chậm như lâu nay.
“Chúng tôi đề nghị nghiên cứu Luật Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định 508/2018/QĐ-TTCP của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể báo cáo thêm, theo quy định của Luật BVMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị phân bổ chi tiết dự toán, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo với Thủ tướng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.