Trả lời trước ống kính truyền hình trong chương trình thời sự phát vào sáng 11-4, một nạn nhân cho biết: “Nghe họ nói hay quá, mà lời cũng sướng nữa, 48%-58% tiền lãi.
Đâu có ngờ như vậy!”. Nếu nói do thiếu thông tin, có lẽ đáng được cảm thông nhất chính là hàng chục ngàn nông dân ở Thanh Hóa, Nghệ An… đã từng vướng vào “mạng nhện” của chương trình Trái tim Việt Nam, mất toi hàng chục tỷ đồng hồi giữa năm ngoái.
Bởi lẽ, người nông dân cơ cực suốt ngày bán mặt cho đất, ít tiếp cận với mạng xã hội hay báo chí, nên nghe rỉ tai “đồng lời” bỗng chốc, nên lùa cả tài sản cho kẻ lừa đảo.
Còn ngay tại TPHCM năng động này, nơi mà số lượng điện thoại di động xấp xỉ với số người dân, chưa kể là hàng trăm đầu báo, tạp chí…, thì chuyện lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp đã “cũ như trái đất”, chuyện chiêu dụ góp vốn, vay nóng vay nguội, “300 triệu đồng sau 2 năm thành 8 tỷ đồng”… đã không còn mới mẻ với nhiều người. Vậy vì sao nhiều người vẫn bị lừa, đa cấp vẫn sống khỏe?
Các nhà đầu tư giăng băng rôn tố cáo những hoạt động lừa đảo tại Công ty Modern Tech
Mới đầu năm ngoái, trên Báo SGGP đã có bài cảnh giác hình thức kinh doanh đa cấp bằng việc lấy tiền thật mua tiền ảo của cái gọi là Quỹ đầu tư Questra. Rõ ràng lừa đảo đa cấp như con virus kháng thuốc, kịp vươn vòi dựa trên phương tiện công nghệ hiện đại.
Khi được hỏi rằng có biết gì về đồng bitcoin và về thẻ Ecobank không, một chị đi dự hội thảo do quỹ đầu tư này tổ chức đã thiệt thà trả lời: “Em đâu biết mặt mày nó ra sao, chỉ biết mua nó rồi bán lại cho người khác là lời kinh khủng”(!).
Quỹ đầu tư Questra dụ dỗ cổ đông góp vốn dựa trên nền tảng độc quyền kinh doanh quảng cáo, còn Modern Tech ầm ĩ với nền tảng là các… nghệ sĩ, nhiều người “like, down” thì càng nhiều điểm, nhiều tiền.
Lừa đảo thời công nghệ, nên cũng lắm chiêu trò. Chiêu quen thuộc nhất là tổ chức hội thảo ở những địa điểm lớn, sang trọng, diễn giả mặc vest trang trọng, dàn chân dài tiếp đón, có nhiều quý bà, quý cô son phấn làm nền như bằng chứng sống về sự thành đạt nhờ đa cấp. Thêm dàn cò mồi đứng chung quanh, giả bộ “hết suất rồi, đợi đợt sau”. Người yếu tim dễ lóe mắt và cứ thế lao vào như con thiêu thân.
Một nguyên nhân gây hội chứng “chết vì đa cấp”, không nói ra nhưng ai cũng biết, đó là lòng tham. Nói chuyện bên lề: Mới đây, một bạn đọc cầm đơn tố cáo dài 30 trang đến Báo SGGP nhờ can thiệp vì lỡ đặt cọc 170 triệu đồng cho một hợp đồng kỳ nghỉ ước mơ trị giá hàng chục ngàn USD.
Tỏ ra là người am tường pháp luật, nhưng khi được hỏi vì sao hiểu biết pháp luật như vậy mà để bị lừa, ông ú ớ nói trớ: “Nghe nó mời hội thảo thấy hay nên mới đặt cọc như vậy”.
Hợp đồng chỉ hơn chục ngàn USD, mà sẽ được đi du lịch 10 nước, được ở khách sạn 5 sao tận bên trời Tây trong vòng 50 năm, hợp đồng có thể sang nhượng, cầm cố cho người khác với giá cao hơn. Đó là mức giá quá hời, giấc mơ chưa thấy, trắng túi là nhãn tiền. Đa cấp cũng vậy! Questra hô hào lãi suất đến 192%/năm, nhưng còn thua xa Modern Tech 48%-58%/tháng hoặc 576%/năm.
Thử hỏi người mua có biết mình bị lừa không, xin trả lời là biết. Nhưng ai cũng tính trong bụng rằng “đánh nhanh rút gọn, người sau hốt ổ”. Một cổ đông góp vốn cho Questra nói thật rằng, chỉ cần 2 tháng là lấy vốn, còn lại là lãi, nó có sập mình vẫn khỏe. Nhưng Modern Tech tỏ ra cao tay hơn: Cổ đông chưa kịp rút vốn về thì Modern Tech đã cáo chung với 15.000 tỷ đồng.
Một nguyên nhân nữa, thuộc trách nhiệm các cơ quan chức năng. Tất cả hội thảo đa cấp đều tổ chức rầm rộ, không phải kiểu rỉ tai hay tỉ tê. Nơi hội thảo là những địa điểm lớn ở khu vực trung tâm, không lẽ các cơ quan chức năng như an ninh kinh tế, công thương… không biết ? Giá như có sự cảnh báo sớm, chắc hậu quả không đến nỗi như vậy…