Báo cáo mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết, cả nước hiện có 303 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN; 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao. Bên cạnh đó, có khoảng 2.100 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp KH-CN nhưng chưa tiến hành đăng ký để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN.
Theo Chiến lược quốc gia về phát triển KH-CN giai đoạn 2011 - 2020, mục tiêu nêu rõ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ đó 5.000 doanh nghiệp KH-CN. Giai đoạn 1 của Chiến lược 2011 - 2015, mục tiêu có 3.000 doanh nghiệp KH-CN đã không hoàn thành. Với tình hình hiện nay, mục tiêu 2020 khó có thể đạt được.
Lãnh đạo Bộ KH-CN thừa nhận, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH-CN hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một thực tế đang diễn ra, Bộ KH-CN ủy quyền cho các Sở KH-CN thẩm định hồ sơ, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Nhưng do năng lực của các sở nhiều khi không đáp ứng được, đội ngũ quản lý mỏng, chưa đủ trình độ nên rất khó khăn trong việc thẩm định những công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng có thực sự mới và đúng là công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn hay không.
Chính sách ưu đãi về thuế, đất đai đã có, nhưng doanh nghiệp KH-CN rất khó để nhận được ưu đãi và đặc biệt là chưa đủ sức hấp dẫn để doanh nghiệp chấp nhận chuyển đổi. Đó còn là sự nhiêu khê, rườm rà của các thủ tục hành chính, sự quan liêu của nhiều cơ quan chức năng… khiến số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện là doanh nghiệp KH-CN khá lớn, nhưng số đi đăng ký và được cấp giấy chứng nhận lại rất hạn chế.
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2018 mới đây của Bộ KH-CN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù đã có nhiều thành tích nhưng việc phát triển KH-CN chưa thực sự gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KH-CN; cơ chế tài chính còn bất hợp lý, ràng buộc sự phát triển. Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ của tổ chức KH-CN công lập vẫn còn lúng túng…
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xem doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, đặc biệt là có đột phá trong phát triển hệ thống doanh nghiệp KH-CN, công nghệ cao, thiết lập hệ thống sàn giao dịch công nghệ và các tổ chức trung gian để thúc đẩy thị trường công nghệ.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, cần phải thực hiện ngay các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp KH-CN. Cùng với đó là tập trung triển khai các nhiệm vụ để nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động nghiên cứu ứng dụng sang khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt chú trọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo giải quyết các khó khăn, nhất là trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiếp cận nguồn vốn.