Mổ xẻ thực trạng ngành công nghiệp ô tô trong nước để làm rõ vì sao giá ô tô tại thị trường Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực, đó là nội dung được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm tại hội thảo quốc tế về phát triển ngành công nghiệp ô tô được tổ chức ngày 7-6 tại Hà Nội.
Giá xe cao hơn 1,2 - 1,8 lần
Theo ông Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), cuối năm 2017 và đầu năm 2018, với hàng rào thuế quan gần như được gỡ bỏ hoàn toàn, thị trường ô tô đã có sự chuyển biến mạnh với những đợt giảm giá khá sâu, nhiều hãng xe lớn đã giảm 50-100 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, mức giảm này chưa làm hài lòng người tiêu dùng bởi lẽ giá xe trên thị trường vẫn đang cao hơn 1,2 - 1,8 lần tùy chủng loại so với các nước trong khu vực.
Vì sao giá xe lại cao như vậy, theo ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, đối với xe sản xuất trong nước, giá xe cao là do quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng thấp, dẫn đến chi phí cao. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất đang phải nhập hầu hết linh kiện để sản xuất ô tô, do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của dòng xe cá nhân chỉ đạt 7% - 10%, chủ yếu chỉ là săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính... còn rất xa so với mục tiêu là 40%.
Trong khi đó, bình quân tỷ lệ nội địa hóa ô tô trong khu vực ASEAN là 65% - 70%, một số nước có tỷ lệ nội địa hóa cao là Thái Lan, Malaysia lên tới 80% - 95%. Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 70 doanh nghiệp cung cấp linh kiện ô tô nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ, giá trị sản phẩm thấp. Nghĩa là, về thực tế sản xuất, năng lực ngành ô tô Việt Nam vẫn đang ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra.
Như vậy, sau 20 năm được hưởng những ưu đãi cho một ngành sản xuất mũi nhọn, mục tiêu có những chiếc ô tô Việt chất lượng cao, giá thành phù hợp đã không thể thực hiện được.
Trên thị trường, ưu thế vẫn đang thuộc về dòng xe nhập khẩu. Tuy nhiên, giá dòng xe này cao, chủ yếu do thuế.
Theo đại diện vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), thuế đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá bán xe tại Việt Nam hiện nay. Các chính sách thuế hiện hành đối với các sản phẩm ô tô nhập khẩu đóng vai trò hỗ trợ cho sự phát triển của ngành ô tô trong nước, nhất là trong giai đoạn ngành này còn đang khó khăn. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc hỗ trợ ngành ô tô trong nước bằng các chính sách thuế đã kéo dài nhiều năm, nếu ngành công nghiệp ô tô mãi không chịu lớn sẽ rất thiệt thòi cho người tiêu dùng. Người dân đang phải mua xe sản xuất trong nước với chất lượng thấp mà giá không hề rẻ, còn nếu chọn xe nhập khẩu để an tâm về chất lượng thì giá quá cao.
Kiên định mục tiêu sản xuất ô tô Việt
Theo nhận định của Bộ Công thương, hiện Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Dự báo tăng trưởng tiêu thụ xe cá nhân tại Việt Nam sẽ đạt mức 22,6% trong giai đoạn 2018 - 2025 và 18,5% giai đoạn 2025 - 2035.
Các chuyên gia cũng dự báo xu thế ô tô hóa sẽ diễn ra khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam vượt ngưỡng 3.000 USD. Hiện tỷ lệ gia đình sở hữu ô tô tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 5%, chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM, trong khi Philippines là 53%, Indonesia là 54%, Malaysia là 93%. Với những đánh giá lạc quan về tiềm năng thị trường, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ không bỏ cuộc.
Sau hàng thập niên thất bại, đến thời điểm này, mục tiêu trọng tâm của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn là phát triển dòng xe cá nhân có giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Cụ thể, đến năm 2025, xe sản xuất trong nước sẽ đáp ứng 60% - 70% nhu cầu thị trường, nội địa hóa đạt 40% - 45%.
Theo đánh giá của ông Đỗ Hữu Hào, hiện ngành sản xuất ô tô trong nước đã có những dấu hiệu khởi sắc. Hàng loạt doanh nghiệp khởi công các dự án sản xuất lắp ráp ô tô có quy mô lớn trong thời gian qua đã cho thấy quyết tâm của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong việc giành lại thị trường.
Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho rằng, để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đạt được những mục tiêu đề ra còn rất nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất là phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ. Làm thế nào để có được những doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh để sản xuất được những linh kiện quan trọng, hàm lượng công nghệ cao như động cơ, hộp số, bộ truyền động, các chuyên gia đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp này, bổ sung công nghiệp ô tô và phụ tùng vào danh mục ưu đãi đầu tư trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư mới...