Vì sao đồng nghiệp của tôi phải dạy thêm?

Là giáo viên Anh văn đã lấy bằng thạc sĩ và có nhiều năm giảng dạy ở một trường THCS ở nội thành có thương hiệu nhưng tôi không chọn dạy thêm dù nhiều học sinh, phụ huynh đề nghị. Để có thêm thu nhập, lấy kinh nghiệm sau khi ra trường, tôi từng làm trợ giảng tiếng Anh cho một trung tâm Anh ngữ có yếu tố nước ngoài.
Vì sao đồng nghiệp của tôi phải dạy thêm?

Là giáo viên Anh văn đã lấy bằng thạc sĩ và có nhiều năm giảng dạy ở một trường THCS ở nội thành có thương hiệu nhưng tôi không chọn dạy thêm dù nhiều học sinh, phụ huynh đề nghị. Để có thêm thu nhập, lấy kinh nghiệm sau khi ra trường, tôi từng làm trợ giảng tiếng Anh cho một trung tâm Anh ngữ có yếu tố nước ngoài.

Lẽ ra tôi cũng có thể tìm được một chỗ dạy ngoại ngữ tiếng Anh ở các trung tâm với thu nhập cao gấp nhiều lần ở trường công nhưng tôi vẫn chọn nơi mình đang dạy. Bởi vì tôi hài lòng với môi trường giáo dục thân thiện, sáng tạo, được ban giám hiệu khuyến khích làm điều mình muốn và học trò thì đáng yêu, thân thiện vô cùng. Là giáo viên, được phát huy năng lực, được khuyến khích mở rộng tư duy sáng tạo, dạy học theo dự án, đề tài và thỏa thích truyền đạt kiến thức, hướng dẫn học trò khám phá tri thức, tham gia các hoạt động từ chính khóa đến ngoại khóa phong phú, đa dạng, kết nối với học sinh nước ngoài…chúng tôi cảm thấy yêu nghề mà mình đã chọn.

Nhiều thầy cô vẫn yên tâm đứng lớp, đam mê với nghề trồng người. Ảnh minh họa: Mai Hải



Mọi người sẽ đặt câu hỏi vì sao không dạy thêm mà tôi vẫn có thể yên tâm đứng lớp, đam mê nghề “trồng người”? Xin thưa, tôi có gia đình hỗ trợ và có chồng làm nghề khác với thu nhập khá hơn nên khéo thu vén, sắp xếp cuộc sống thì cũng tạm ổn. Bù lại tôi có thời gian chăm lo cho con cái, tổ ấm của mình bình yên và không áy náy khi phải nhận đồng tiền của học trò, phụ huynh.

Tuy vậy, bàn về chuyện dạy thêm của giáo viên, đồng nghiệp, tôi vừa đồng cảm, vừa trăn trở, thậm chí nặng lòng với nghề được vinh danh là “cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. 

Vì sao đồng nghiệp của tôi phải dạy thêm? Câu trả lời đã quá rõ là muốn cải thiện thu nhập. Dạy thêm là một nhu cầu của xã hội và nhà giáo cũng cần có làm thêm để có thu nhập chính đáng như kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia…Thế nhưng, dạy thêm bao nhiêu là đủ, còn học trò học bổ sung kiến thức đến đâu là vừa thì không có làn ranh, không có chuẩn và nó khiến thầy lẫn trò cùng lao vào dòng xoáy này với đủ lý do, biện minh khác nhau. Tôi đã chứng kiến một số đồng nghiệp trẻ khi mới bước vào nghề  dạy học bằng tâm huyết, nhiệt tình, cháy mình với những giờ giảng, được học sinh yêu thích. Thế  nhưng khi có gia đình, đối mặt với “cơm áo, gạo tiền” thì họ không thể không dạy thêm. Vì có nhu cầu kiếm tiền nhiều hơn nên họ phải dạy nhiều hơn, tranh thủ cuối ngày, cuối tuần. Nhìn họ đến trường và dạy giờ chính khóa trong hình ảnh mệt mỏi, tôi và ban giám hiệu cảm thấy xót xa. Quả thật, như học trò phản ánh những tiết học của thầy này, cô kia giờ không còn hay như trước, không còn lung linh khiến học trò chờ đợi. Nhưng nhà trường không thể làm gì để giúp giáo viên cải thiện thu nhập và toàn tâm với những giờ lên lớp, dạy học trò hết kiến thức chứ không phải hết bài giống như “thợ dạy”- rô bốt dạy học. hệ lụy đối với việc dạy thêm của giáo viên là thế.

Theo tôi, dạy thêm tách bạch khỏi trường học sẽ khiến ngôi trường giữ được nề nếp, sự uy nghiêm, trong sáng. Thầy cô muốn dạy thêm thì ra ngoài mở lớp, tham gia dạy ở trung tâm. Như thế, họ sẽ giữ được hình ảnh, phẩm chất của mình.  Thực tế cho thấy, với những giáo viên dạy giỏi các môn chính, có uy tín thì học trò tự nguyện “tầm sư học đạo”. Thu nhập từ dạy thêm của những thầy cô thu hút nhiều học trò khá cao, thậm chí hơn chục đến vài chục triệu đồng/tháng trở lên. Hấp dẫn như thế làm sao giáo viên có cơ hội lại không dạy thêm? Chỉ có những giáo viên dạy trên lớp đã dở, học sinh không thích học, học không vào thì mới lợi dụng uy tín của nghề, lôi kéo, “ép” học trò phải theo học mình. Nếu không sẽ thể hiện quyền hành,phân biệt đối xử giữa học sinh học thêm mình và không tham gia. Những hành động này không nhiều nhưng nó đang làm hoen ố thanh danh, hình ảnh cao quý của người thầy.

Vì thế, dù đứng ngoài cuộc không tham gia dạy thêm nhưng tôi chỉ mong lãnh đạo TPHCM, ngành GD-ĐT thấu hiểu thực trạng dạy thêm, học thêm ở TP và tháo gỡ những nguyên nhân khiến cho nó trở thành vấn nạn, tràn lan và bị “lên án, bị truy xét” như hiện nay. Một khi giáo viên được chăm lo, được đãi ngộ mức lương đủ sống, thậm chí cao hơn những ngành nghề khác như ở các nước phát triển thì nghề giáo trở nên đắt giá, học sinh giỏi mới có cửa bước vào trường sư phạm. Và khi được đào tạo bài bản, có tri thức, năng lực dạy học, kỹ năng nghề cao, chỉn chu về nhân cách, đạo đức,phẩm chất thì họ sẽ toàn tâm, toàn ý với nghề cao quý đã chọn và được chọn.

antranvv…@yahoo.com

Tin cùng chuyên mục