Sớm phát hiện sai sót
Một DN trong khu công nghiệp cho rằng, cơ quan thuế cứ dùng “bài cũ” là thiếu nhân sự, nên mỗi năm chỉ thanh - kiểm tra khoảng 10% - 15% số lượng DN. Với con số đó, nếu rải đều thì trung bình 7 - 10 năm, DN mới “được” thanh - kiểm tra thuế một lần. Và như vậy, với số tiền phạt chậm nộp hiện nay 0,03% -0,05%/ngày, nếu chậm quyết toán thì số tiền chậm nộp của DN có thể sẽ nhiều hơn số tiền bị truy thu.
Các DN khác cũng cho biết, với luật thuế hiện hành, dù có đủ cả luật, nghị định, thông tư… nhưng việc “hiểu được” chưa bao giờ… thống nhất. Đó là lý do các cấp liên tục có những buổi “giải đáp vướng mắc cho DN” để giải thích các văn bản luật. Như vậy, loại trừ những DN cố tình làm sai, vẫn có không ít DN không hiểu luật, dẫn đến sai sót và nếu phát hiện trễ, họ phải gánh trả chi phí quá lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia lý giải, hiện nay cơ quan thuế đang chạy theo số thu nên việc thanh - kiểm tra cũng tập trung vào những DN lớn để tăng ngân sách. Trong khi đó, các DN khác cũng muốn ngành thuế kiểm tra sớm để giúp DN tuân thủ luật thuế, an tâm phát triển. Nếu kiểm tra sớm, DN biết cái sai, khắc phục từ đầu, sẽ giảm rủi ro và thiệt hại.
Đó cũng là lý do tại một hội thảo góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mới đây, khá nhiều ý kiến DN đề nghị bổ sung điều luật cho phép DN được quyền yêu cầu cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế sớm để giúp DN giảm bớt rủi ro và sau đó họ có thể xếp hồ sơ để đỡ tốn kho chứa hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chờ thanh - kiểm tra thuế như hiện nay.
Cụ thể, đề nghị cơ quan thuế ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn chỉ tiêu cơ bản trong thanh - kiểm tra, rút ngắn thời gian thanh - kiểm tra. Ví dụ như giảm xuống còn 3 năm và nếu trong vòng 3 năm mà cơ quan thuế không kiểm tra, quyết toán thì không được quyền xử lý DN.
Xử lý việc “cưa đôi”
Những tiêu cực trong áp thuế khoán hiện nay đang bị dư luận lên tiếng phản ứng. Nhiều người cho rằng, cán bộ thuế phụ trách phường xã có “quyền sinh, quyền sát” nên sinh tham nhũng vặt. Việc áp thuế thường được cán bộ và hộ kinh doanh bắt tay, hạ thấp mức thuế khoán để chia đôi lợi ích… diễn ra phổ biến.
Trong khi đó, số thu thuế khoán chỉ chiếm 2% trong tổng số thu thuế nói chung nhưng lại tốn quá nhiều nhân sự. Phường xã nào cũng lập các hội đồng tư vấn thuế phường xã (gồm đại diện UBND, công an, MTTQ và cán bộ thuế phụ trách địa bàn). Trong khi những thành phần này không có nghiệp vụ thuế, chỉ ngồi để xem xét hoàn cảnh giảm trừ, mà hiện nay những điều kiện này đã được luật hóa, cứ doanh số trên 100 triệu đồng/tháng thì nộp thuế; do vậy, không cần quá nhiều đơn vị tham gia làm phát sinh thêm tiêu cực, mà khi xảy ra sai phạm thì không ai chịu trách nhiệm.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay việc áp dụng các quy định giữa hộ kinh doanh cá thể và DN chưa có sự thống nhất nên không thu được thuế, không khuyến khích được người kinh doanh. Chẳng hạn, nếu luật cho phép DN được quyền “tự tính, tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm” thì tại sao không để hộ kinh doanh cá thể cũng được quyền tự khai, tự nộp mà phải thông qua hội đồng, để rồi phát sinh thêm thủ tục? Do vậy, nên quy định cho phép tất cả người kinh doanh được quyền tự khai thuế, tự chịu trách nhiệm. Cán bộ thuế chỉ đến kiểm tra và nếu cán bộ thuế để những hộ khai không đúng thực tế tồn tại thì xử lý trách nhiệm cán bộ thuế và truy thu đối với hộ kinh doanh.
Ngoài ra, cần sửa các quy định về chế tài hiện nay, vì việc quy định mức phạt đối với DN cao gấp 2 lần mức phạt cá nhân thì không thể nào khuyến khích hộ kinh doanh cá thể lên DN được. Như vậy sẽ đi ngược chủ trương kêu gọi, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể lên DN theo nghị quyết của Chính phủ.
Một vấn đề cũng gây tranh cãi khá nhiều, đó là theo dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), tới đây sẽ bổ sung nhiều quy định mới như cho phép Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được quyền duyệt xóa thuế. Các chuyên gia cho rằng, cán bộ thuế vừa quản lý, vừa được quyền quyết định xóa thuế là vi phạm nguyên tắc bất kiêm nhiệm, dễ phát sinh tiêu cực. Do vậy, nên “luật hóa” các điều kiện, tiêu chuẩn nào sẽ được xóa thuế, để khi người nộp thuế đủ điều kiện được xóa thuế thì đơn vị nào cũng có thể áp dụng được.
Dù đã có nhiều nỗ lực để giảm bớt thủ tục phiền hà cho người nộp thuế; tuy nhiên, công tác hành thu, kiểm soát thuế vẫn là khâu khiến nhiều DN, hộ kinh doanh ngán ngại nhất vì nhiều lý do… Hy vọng Ban soạn thảo dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sắp tới sẽ lắng nghe và chỉnh sửa để chúng ta có một luật thuế hoàn thiện hơn và điều quan trọng, là ít gây phiền hà cho DN hơn mà vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn các hành vi bắt tay trốn thuế.