Vì sao cuộc chiến ở Gaza tái bùng nổ?

Bom đạn lại tàn phá dải Gaza đầy đau khổ của Palestine. Hàng trăm người Palestine thiệt mạng và nhà cửa lại đổ nát bởi các cuộc oanh kích dữ dội của quân đội Nhà nước Do Thái trong vài ngày qua. Phía Israel cũng phải chịu những trận tấn công tên lửa và đạn pháo của phe du kích Hamas đang kiểm soát dải Gaza.

Lệnh ngừng bắn giữa nhóm Hamas của Palestine và Israel mới kéo dài được 6 tháng đã bị phá vỡ từ ngày 19-12-2008 khi Hamas đơn phương tuyên bố hủy bỏ lệnh ngừng bắn. Lý do họ đưa ra là phía Israel vẫn không chịu dỡ bỏ sự phong tỏa, cấm vận đối với dải Gaza. Còn phía Israel lại biện minh rằng trong thỏa thuận ngừng bắn không có điều khoản bỏ sự phong tỏa đó.

Và Hamas cố thoát khỏi tình trạng này bằng việc phá vỡ lệnh ngừng bắn, nã pháo và tên lửa vào lãnh thổ Israel. Trước đó, trong tháng 11-2008 đã có đụng độ giữa hai bên. Hamas và Israel nhiều lần lên tiếng cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Israel đáp trả bằng việc siết chặt các biện pháp trừng phạt và đóng các cửa khẩu với Gaza.

Cuộc chiến tranh tái bùng nổ một phần do sự tính toán sai lầm của Hamas. Dường như Hamas đã không cho rằng chính quyền Israel sẽ tăng cường độ chiến tranh khi họ bắn phá vào lãnh thổ Israel. Còn Chính phủ Israel của Thủ tướng Olmert sau một thời gian tính toán đã đi quá giới hạn của hành độâng tự vệ bằng các cuộc không kích dữ dội chưa từng thấy trong hơn chục năm qua ở dải Gaza.

Và quy luật của các cuộc chiến tranh đã lặp lại: Dân thường chịu tổn thất lớn nhất. Người Palestine lại bị chết và bị thương khi mà những khát vọng hòa bình của họ sắp cạn kiệt. Tuy nhiên, bất luận thế nào, những hành động chiến tranh xâm lược và tàn sát dân thường là không thể chấp nhận được và đáng bị lên án.

Nhưng cũng nên xem xét cả việc cộng đồng quốc tế, trong đó có “Bộ tứ” (Mỹ, Nga, Liên hiệp quốc, EU) và cả Liên đoàn các nước Arab hành động chưa đủ mạnh để cứu vãn hòa bình Trung Đông. Kếâ hoạch tìm kiếm “giải pháp cuối cùng” hòa bình cho Trung Đông của chính quyền Bush đã sụp đổ. Tình hình ở Gaza cũng như sự chia rẽ bè phái tại Palestine đã cản trở các cuộc thương thuyết hòa bình vốn bị ngưng từ 7 năm qua. Chính quyền Palestine của Tổng thống Abbas đã không thuyết phục và kiểm soát được phái Hamas cực đoan.

Nguy cơ những vòng xoáy bạo lực lại leo thang ở Gaza là khó tránh khỏi. Nhóm Hamas tuyên bố sẽ có hành động vũ lực để trả thù hành động vũ lực của Israel. Trước tình hình chiến sự nóng bỏng và nguy cơ chiến tranh mở rộng ở dải Gaza, cộng đồâng quốc tế đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình an ninh ở vùng lãnh thổ này, kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và nối lại các cuộc thương lượng hòa bình. Dù đã có không ít những cố gắng của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế nhằm tìm lối thoát cho cuộc xung đột xuyên thế kỷ ở Trung Đông, nhưng người ta vẫn nhức nhối một câu hỏi bao giờ mới có hòa bình ở vùng đất nóng bỏng này?

Nguyễn Khắc Đức

Tin cùng chuyên mục