Ngày 12-4, liên quan tới việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Cổ phẩn Hàng tiêu dùng Masan bị cơ quan chức năng Nhật Bản thu hồi vì chứa chất Acid benzoic, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn trả lời làm rõ quy định của Việt Nam cũng như của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) đối với việc sử dụng Acid benzoic, muối Natri benzoat và Acid sorbic hoặc muối Kali trong thực phẩm nói chung và tương ớt nói riêng.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm nêu rõ, Acid benzoic và muối Natri benzoic cũng như Acid sorbic và Kali sorbat (INS 202) là các chất bảo quản được phép sử dụng trong sản phẩm tương ớt theo quy định tại Thông tư số 27 ngày 30-11-2012 và Thông tư số 08 ngày 11-5-2015 của Bộ Y tế về Hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm với hàm lượng tối đa là 1.000mg/kg sản phẩm.
Đây cũng là quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex bao gồm 189 thành viên.
Để một phụ gia thực phẩm có trong danh mục của Codex, các nhà khoa học của JECFA, Ủy ban chuyên gia hỗn hợp về phụ gia thực phẩm của FAO (Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc) và WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) phải thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học, đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe con người để đưa ra được mức sử dụng tối đa đối với từng phụ gia trong thực phẩm đảm bảo an toàn cho con người khi sử dụng.
Như vậy, theo Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm tương ớt Chin-su sử dụng chất bảo quản Acid benzoic (INS 210) hoặc muối Natri benzoat (INS 2) với hàm luợng không vượt quá 1.000mg/kg sản phẩm và sử dụng Acid sorbic (INS 200) hoặc Kali sorbat (INS 202) vởi hàm lượng không vượt quá 1.000mg/kg sản phẩm (tính theo acid sorbic) là phù hợp với quy định của Việt Nam và Ủy ban tiêu chuẩn quốc tế Codex và "an toàn cho người sử dụng".
Cục An toàn thực phẩm cũng chỉ rõ, hiện nay tại Nhật Bản, Acid benzoic cũng như Acid sorbic chưa quy định sử dụng trong tương ớt nhưng điều đó không có nghĩa Acid benzoic, Acid sorbic là chất cấm sử dụng trong thực phẩm tại Nhật Bản, vì hiện tại Nhật Bản đang cho phép dùng Acid benzoic, Acid sorbic trong sản phẩm trứng cá muối, bơ thực vật, nước tương, đồ uống không cồn...
Do đó, việc Nhật Bản không quy định Acid benzoic, Acid sorbic làm phụ gia thực phẩm trong tương ớt mà Việt Nam lại cho dùng không có nghĩa là tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam không được quan tâm như ở Nhật Bản, vì thực tế Việt Nam đang sử dụng tiêu chuẩn thực phẩm (trong đó có tương ớt) của Codex. Đây cũng là tiêu chuẩn mà Mỹ, các nuớc châu Âu... đều là những quốc gia phát triển trên thế giới đang sử dụng.
Theo Cục An toàn thực phẩm, việc sử dụng Acid benzoic, Natri benzoat, Acid sorbic hoặc Kali sorbat trong tương ớt theo quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam không yêu cầu ghi cảnh báo, chỉ yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm phải ghi rõ tên nhóm chất phụ, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có).