Thực ra, 2 câu thơ nói trên được trích từ bài Phố ta (1970) của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Nó càng nổi tiếng hơn khi được nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc thành ca khúc Chim sẻ tóc xù. Mượn một tứ thơ để mở màn và là sợi dây xuyên suốt, dễ hiểu bộ phim của nữ đạo diễn Võ Thạch Thảo đầy tinh tế, nữ tính và sâu sắc.
Cây táo nở hoa xoay quanh sự hy sinh của người đàn ông trụ cột luôn yêu thương, bao dung và chở che các em như một người mẹ, một người cha. Hai Ngọc (Thái Hòa) có đến 4 người em, lần lượt là Ngà (Trương Thế Vinh), Châu (Thúy Ngân), Báu (Nhã Phương), Dư (Song Luân). Lớn lên thiếu vắng tình thương của cha mẹ, Ngọc luôn tự coi mình là cha mẹ, hy sinh bảo bọc cho các em vô điều kiện. Dù 4 người em đã trưởng thành, nhưng Ngọc luôn xem họ như những đứa trẻ và sẵn sàng gánh vác, lo toan tất cả. Đôi khi, sự hy sinh ấy có cả sự nhịn nhục và mù quáng, dẫn đến không ít mâu thuẫn trong gia đình.
Được Việt hóa từ bộ phim nổi tiếng của đài KBS Hàn Quốc: Liver Or Die (tên khác What’s Wrong Poong Sang), Cây táo nở hoa có lợi thế với một kịch bản gốc thành công, đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, điều đó dường như không tạo áp lực, trái lại nếu không nói ra, nhiều người vẫn nghĩ đây là tác phẩm thuần Việt, bởi bối cảnh gần gũi, phong cách kể chuyện dung dị với những tình tiết rất đời mà ta có thể bắt gặp trong cuộc sống.
Bộ phim mang đến sự khác biệt trong dòng phim truyền hình về đề tài gia đình, khi xoáy vào những mâu thuẫn, xung đột và đẩy câu chuyện liên tục lên cao trào, khắc họa nét tương phản giữa sự hy sinh và ích kỷ. Các tình huống bi - hài, gay cấn và lãng mạn, được đan xen tạo nên nhịp phim liên tục thay đổi. Có rất nhiều giọt nước mắt, cả đau đớn, xót xa, tức giận; nhưng cũng có rất nhiều niềm vui đã “nở hoa” nhờ sức mạnh tình thâm.
Hồng Ánh và Thái Hòa là lựa chọn quá phù hợp, khi hóa thân vào cặp vợ chồng vừa thấu hiểu, cảm thông, bao dung nhưng cũng phải chịu đựng nhau suốt 18 năm. Dàn diễn viên trẻ: Nhã Phương, Thúy Ngân, Trương Thế Vinh, Song Luân… đến các tuyến nhân vật phụ: NSND Lan Hương, NSƯT Công Ninh, NSƯT Mỹ Duyên… mỗi người đều được xây dựng tính cách riêng biệt.
Sau tất cả những khóc, cười, bộ phim đặt ra câu hỏi về tình yêu thương và thể hiện yêu thương như thế nào là đúng đắn. Và, không phải ngẫu nhiên, tiệm sửa xe của Hai Ngọc được đặt tên Hạnh phúc.