Vì sao billiards & snooker Việt Nam thất bại tại Asian Games 16?

Khát khao chiến thắng sau khi để vuột chiếc HCV carom 3 băng tại Asian Games 15 ở Doha năm 2006, billiards&snooker đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng và quyết tâm mang vinh quang về cho đất nước. Khát khao và quyết tâm đó từng được thể hiện qua phát biểu của HLV Nguyễn Việt Hòa trước lúc lên đường: “Không lấy được vàng xem như thất bại”.
Vì sao billiards & snooker Việt Nam thất bại tại Asian Games 16?

Khát khao chiến thắng sau khi để vuột chiếc HCV carom 3 băng tại Asian Games 15 ở Doha năm 2006, billiards&snooker đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng và quyết tâm mang vinh quang về cho đất nước. Khát khao và quyết tâm đó từng được thể hiện qua phát biểu của HLV Nguyễn Việt Hòa trước lúc lên đường: “Không lấy được vàng xem như thất bại”.

Tuy nhiên, thành tích của billiards & snooker lần này chỉ là 2 chiếc HCĐ của Lý Thế Vinh và Dương Anh Vũ, thấp hơn kỳ Đại hội lần trước. Trao đổi cùng SGGP Thể Thao sau khi từ Quảng Châu, Trung Quốc trở về, HLV Việt Hòa cho biết: “Tuy cấp trên không áp đặt chỉ tiêu, nhưng căn cứ vào thực lực, BHL đã đặt chỉ tiêu HCV để phấn đấu”.

Theo HLV Việt Hòa, 2 tay cơ carom 3 băng là Lý Thế Vinh và Dương Anh Vũ đã tuân thủ đúng theo chiến thuật của Ban huấn luyện và vào đến trận đấu bán kết. Các tay cơ Việt Nam không chủ quan, ngay đánh với đội yếu cũng chơi rất chặt chẽ. Trong trận gặp Suzuki Tsuyoshi (Nhật Bản, hạng 48 thế giới) ở bán kết, Lý Thế Vinh (hạng 50 thế giới) đã dẫn trước đến 12-0, nhưng chỉ sau 3 cơ đối thủ đã ghi được 21 điểm. Lý Thế Vinh vẫn chống trả và cố gắng gài bi khó, nhưng đối thủ vẫn xuất sắc “phá đạn” và tiếp tục ghi điểm, nên Thế Vinh đành thất bại 36-40, dù trước đó anh đã vượt qua tay cơ hạng 17 thế giới là Heo Jung Han của Hàn Quốc với điểm số 40-35.

Ở trận bán kết còn lại, Dương Anh Vũ (hạng 21 thế giới) dẫn trước 6-0, sau đó đối thủ so kè và thu ngắn cách biệt 14-15. Trong lúc Anh Vũ không dám mạo hiểm mà vẫn tuân thủ chiến thuật phòng thủ chặt chẽ chờ đối thủ sơ hở mới tấn công thì Kai Joji (Nhật Bản) lại “nhảy đạn” quá hay nên giành chiến thắng chung cuộc 40-29. “Nói chung, chúng ta rất nỗ lực, nhưng đối thủ đánh quá xuất thần, nên mình đành phải chịu thua”, HLV Việt Hòa kết luận.

Cũng qua diễn biến các trận đấu tại Asian Games 16, vị trí trên bảng xếp hạng của Hiệp hội billiards thế giới cũng chỉ mang tính tham khảo vì ngay cả tay cơ đang xếp hạng 3 thế giới là Kim Kyung Roul (Hàn Quốc) đã bị Kai Joji (hạng 149 thế giới) đánh bại ngay từ vòng 1/16. Và đoàn Hàn Quốc trắng tay ở nội dung carom 3 băng là một minh chứng rõ rệt nhất.

Nguyễn Phúc Long tại Asian Games 2010.

Nguyễn Phúc Long tại Asian Games 2010.


Về các nội dung khác, pool 8 bi và 9 bi nữ cọ xát đúng mực - Dương Thúy Vy và Đoàn Thị Ngọc Lệ 2 lần vào đến bán kết. Nội dung pool 9 bi nam, cơ hội lớn nhất của Nguyễn Phúc Long là trận gặp Orcollo Dennis (Philippines)...

Tại SEA Games 25, Phúc Long từng xuất sắc lội ngược dòng để thắng Orcollo 9-8 ở bán kết sau khi bị dẫn trước đến 8-4. Lần này, tuy Phúc Long dẫn trước 7-4 nhưng thua ngược 8-9 do canh effet quả bi cuối chưa chính xác. Các nội dung còn lại như billiards Anh, snooker, pool 8 bi nam đều thi đấu chưa đạt yêu cầu bởi chúng ta vẫn còn khoảng cách so với khu vực Đông Nam Á và châu lục.

Sau thất bại này, HLV Việt Hòa cho biết BHL và nhiều tay cơ Việt Nam đã rút ra một số bài học kinh nghiệm bổ ích. Dù trình độ chuyên môn không thua kém đối thủ nhưng 2 tay cơ carom 3 băng Việt Nam đã chậm thích nghi với bàn thi đấu. Mặt khác, không nên hoàn toàn tin tưởng vào 1-2 VĐV mà phải có lực lượng dự bị. Lực lượng này cũng phải được thường xuyên cọ xát quốc tế, đủ khả năng và bản lĩnh thay thế khi cần thiết để BHL có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, vấn đề này cũng phụ thuộc vào kinh phí nên không phải dễ dàng thực hiện.

TRÚC QUỲNH

Trong số 14 đoàn giành được huy chương ở môn billiards & snooker, đoàn Việt Nam xếp thứ 11. Đoàn Trung Quốc dẫn đầu với 4HCV (trong đó có 3 ngôi vô địch nữ), 2HCB, 2HCĐ.

Các vị trí tiếp theo thuộc về Hong Kong-Trung Quốc (2, 0, 1), Đài Loan-Trung Quốc (1, 2, 5), Ấn Độ (1, 1, 2) Nhật Bản và Philippines đồng hạng 5 (1, 1, 0), Hàn Quốc và Myanmar đồng hạng 7 (0, 1, 1). Malaysia (0, 1, 0) hạng 9, Thái Lan (0, 0, 3) hạng 10, Indonesia, Pakistan, Singapore (0, 0, 1) hạng 12.

Tin cùng chuyên mục