Vì sao bãi phế liệu Dũng Lạc ngang nhiên hoạt động trái phép?

Cho đến nay, nhiều người dân ở phường Tân Phú (quận 9 TPHCM) vẫn chưa quên được vụ nổ kinh hoàng làm một người chết xảy ra sát vựa thu mua phế liệu ở chân cầu vượt Suối Tiên cách đây 2 năm. Điều đáng nói là trước khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã từng đến kiểm tra và yêu cầu cơ sở này ngưng hoạt động vì thu gom phế liệu không phép, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hàng ngàn du khách hàng ngày tới vui chơi tại Khu du lịch văn hóa (DLVH) Suối Tiên. Thế nhưng, mặc cho dư luận bức xúc, bãi phế liệu này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Vì sao bãi phế liệu Dũng Lạc ngang nhiên hoạt động trái phép?

Cho đến nay, nhiều người dân ở phường Tân Phú (quận 9 TPHCM) vẫn chưa quên được vụ nổ kinh hoàng làm một người chết xảy ra sát vựa thu mua phế liệu ở chân cầu vượt Suối Tiên cách đây 2 năm. Điều đáng nói là trước khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã từng đến kiểm tra và yêu cầu cơ sở này ngưng hoạt động vì thu gom phế liệu không phép, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hàng ngàn du khách hàng ngày tới vui chơi tại Khu du lịch văn hóa (DLVH) Suối Tiên. Thế nhưng, mặc cho dư luận bức xúc, bãi phế liệu này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Bãi phế liệu Dũng Lạc (quận 9, TPHCM) ngang nhiên hoạt động dù không có giấy phép.

Bãi phế liệu Dũng Lạc (quận 9, TPHCM) ngang nhiên hoạt động dù không có giấy phép.

Cơ sở thu gom phế liệu Dũng Lạc có diện tích hơn 1.000m², hàng ngày xe tải chở phế liệu đậu kín cả lòng lề đường để vận chuyển phế liệu (chủ yếu là sắt thép) mua bán hàng ngày đến hàng trăm tấn. Xe tải chở sắt vụn ra vào nườm nượp, đổ phế liệu thành đống cao cả chục mét ngay sát bên đường dây cao thế, rất dễ gây phóng điện khi có mưa bão. “Bà con chúng tôi sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ tai họa từ bình gas cũ, đầu đạn… bị va đập có thể phát nổ bất cứ lúc nào, nhất là quanh bãi phế liệu, nhiều người sống lang thang cứ vô tư lượm đầu đạn trong bãi phế liệu ra đục, đập, cưa…” - chị T., một người dân sống tại khu vực này cho biết.

Vào đầu năm 2006, Phòng Tài nguyên-Môi trường, Phòng Kinh tế, Đội Quản lý trật tự đô thị, UBND phường Tân Phú (quận 9) đã kiểm tra bãi thu mua phế liệu này. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ bà Đặng Thị Lạc, vì kinh doanh không có giấy phép và bãi kinh doanh phế liệu của bà không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường. Đồng thời đoàn kiểm tra cũng yêu cầu hộ bà Lạc phải di dời toàn bộ bãi phế liệu tiếp giáp với xa lộ Hà Nội để trả lại vẻ mỹ quan đô thị.

Tiếp đó, đến cuối năm 2007, tại bãi phế liệu này, một quả đạn phát nổ đã làm chết một thanh niên và gây hoảng sợ cho người dân xung quanh cũng như hàng ngàn khách du lịch đang vui chơi tại Khu DLVH Suối Tiên (ngay sát vách bãi phế liệu).

Sau vụ nổ này, những tưởng cơ sở thu mua phế liệu không phép trên sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, sau nhiều quyết định đình chỉ kinh doanh không có hiệu lực, tiếp đến là quyết định cưỡng chế di dời, chủ cơ sở phế liệu cam kết sẽ thực hiện di dời trước ngày 23-12-2009, nhưng đến nay cơ sở này vẫn công khai thu mua phế liệu. Ngoài việc gây tiếng ồn, bụi bặm gây ô nhiễm môi trường, thì việc xe tải chở phế liệu dừng đậu tràn lan trên đường cũng là nguyên nhân gây ùn tắc và mất an toàn giao thông, nhất là sau khi cầu vượt Suối Tiên hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngày 15-12-2009, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thị Hiền Lương đã có công văn gửi Khu Quản lý GTĐT số 2 cho rằng, thời gian qua, hoạt động của cơ sở phế liệu Dũng Lạc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông ở khu vực.

Một người dân ở đây bức xúc: Mỗi ngày có hàng chục xe tải vận chuyển sắt thép phế liệu cồng kềnh, dừng đậu ngay trạm xe buýt dưới chân cầu vượt, nhất là vào giờ cao điểm xe tải đậu chiếm hết phần đường xe dành cho xe 2 bánh gây ùn tắc giao thông. Chưa hết, mỗi lần xe tải ra vào, người của cơ sở thu mua phế liệu ra chặn xe ngang đường rất nguy hiểm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nhất là sau khi xảy ra tai nạn chết người tại bãi phế liệu. Tuy nhiên, lúc nào chúng tôi cũng chỉ nghe được thông tin “sắp di dời”, “cuối năm cưỡng chế”… còn trên thực tế thì cơ sở này vẫn hoạt động công khai mấy năm nay.

Vì sao một vựa phế liệu kinh doanh không phép vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu tai nạn xảy ra một lần nữa? Đây là câu hỏi mà dư luận đang đặt ra.

Trong Quyết định 174/2004/QĐ-UB của UBND TPHCM ban hành ngày 15-7-2004 về việc sắp xếp ngành nghề kinh doanh dọc theo tuyến xa lộ Hà Nội nêu rõ, các ngành nghề mua bán sắt thép phế liệu, rác phế liệu, thủy tinh, cao su phế thải… không được kinh doanh. Nếu theo quyết định này thì cơ sở Dũng Lạc phải ngưng hoạt động từ năm 2004.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục