Theo lệnh cấm này, bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ được phép cư trú tại TP Hòa Bình từ ngày 10-10-2018 đến ngày 28-11-2018, giao cho UBND xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) quản lý, theo dõi.
Lệnh cấm của Cơ quan CSĐT cũng nêu rõ nếu chưa được sự đồng ý của chính quyền nơi bị can cư trú và chưa có giấy phép của cơ quan điều tra đã ra lệnh này thì bị can không được đi khỏi nơi cư trú. Trường hợp bị can vi phạm lệnh này sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Lệnh này gửi đến UBND xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình để quản lý, theo dõi bị can.
Trước đó, vào ngày 5-7, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng ký lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Hoàng Công Lương. Bị can chỉ được phép cư trú tại Xóm 9, xã Sủ Ngòi.
Bác sĩ Hoàng Công Lương là 1 trong 6 bị can trong vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BV Hòa Bình làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong.
Trước đó, trong kết luận điều tra bổ sung lần 2 của vụ án theo yêu cầu của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã đề nghị truy tố bị can Hoàng Công Lương về tội “Vô ý làm chết người”.
Kết luận điều tra bổ sung khẳng định, bác sĩ Lương được đào tạo về kỹ thuật lọc máu cơ bản, có đủ điều kiện hành nghề về kỹ thuật thận nhân tạo và chữa bệnh độc lập.
Bác sĩ Lương cũng ký xác nhận việc khám và ra y lệnh của 2 bác sĩ còn lại, nên là bác sĩ có trách nhiệm cao nhất trong việc ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân trong ca lọc thận ngày 29-5-2017.
Ngày 29-5-2017, hệ thống lọc nước RO2 vừa sửa chữa, chưa được lấy mẫu nước để xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI; Phòng vật tư thiết bị y tế chưa nghiệm thu, làm thủ tục bàn giao cho đơn nguyên lọc máu...
Bác sĩ Lương chỉ nghe thông báo của 2 điều dưỡng viên rằng đã sửa chữa xong mà ra y lệnh lọc máu.
Đánh giá hành vi của bác sĩ Hoàng Công Lương, Cơ quan CSĐT nhận định, do cẩu thả nên bị can Lương không thấy được khả năng gây ra hậu quả chết người từ việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn, trong khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa.
Kết luận điều tra bổ sung xác định hành vi của bị can Lương đủ yếu tố cấu thành tội “Vô ý làm chết người” với lỗi vô ý cẩu thả theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên sau khi nhận được kết luận điều tra bổ sung, bác sĩ Hoàng Công Lương đã gửi đơn khiếu nại tới Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho rằng bản thân không phải chịu trách nhiệm hình sự, cũng như không có các hành vi vi phạm pháp luật như trong kết luận điều tra bổ sung.
Đáng chú ý, cũng trong quá trình điều tra bổ sung vụ án tai biến chạy thận làm 9 bệnh nhân tử vong tại BV Hòa Bình, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố thêm 3 bị can là: Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc BV Hòa Bình) và Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng Phòng vật tư BV Hòa Bình) và Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BV Hòa Bình) cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trước đó, sau khi vụ tai biến chạy thận xảy ra tại BV Hòa Bình, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can là Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) và Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế, BV Hòa Bình) về tội “Vô ý làm chết người” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã hoàn tất cáo trạng vụ án và chuyển hồ sơ sang Tòa án Nhân dân TP Hòa Bình để tiến hành xét xử.
Vào tháng 5 và 6-2018, Tòa án Nhân dân TP Hòa Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn.
Phiên tòa đã kéo dài nhiều ngày hơn dự kiến, trong đó các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bác sĩ Lương đã tranh luận gay gắt, căng thẳng với Hội đồng xét xử.
Đến chiều 5-6, sau nhiều ngày nghị án kéo dài, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều vấn đề liên quan tới vụ án. Trong đó, Hội đồng xét xử đã đề nghị làm rõ những chứng cứ buộc tội, gỡ tội đối với bác sĩ Lương, cũng như xem xét làm rõ trách nhiệm một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của BV Hòa Bình.