Trong phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sáng nay 18-11, theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lần lượt Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã phát biểu trước Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, công tác xét xử, điều tra, truy tố, thi hành án những vụ án tham nhũng kinh tế lớn được dư luận rất quan tâm. Ngoài những thành tích đạt được, hiện còn một số hạn chế lớn. Trong đó, đáng chú ý việc xử lý kéo dài, vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, có vụ án khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc.
Thậm chí, có những trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài ngay tại thời điểm cơ quan chức năng chuẩn bị khởi tố. “Trường hợp Dương Chí Dũng trước đây và Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy mới đây là điển hình”, ĐB Lê Thị Nga dẫn chứng.
ĐBQH Lê Thị Nga chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình Bên cạnh đó, tỷ lệ trả hồ sơ vụ án điều tra lại rất cao, cao nhất trong các loại án, đặc biệt là các vụ án do cơ quan điều tra cấp Trung ương điều tra và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao kiểm soát, điều tra.
Năm 2017, tỷ lệ này là 71,1%. Có những vụ kết quả xét xử sơ thẩm chưa nhận sự đồng tình cao của dư luận, nhất là việc xác định tội danh và có dấu hiệu chuyển án tham nhũng sang án kinh tế ngay từ giai đoạn điều tra, hay chuyển từ tội tham ô sang tội cố ý làm tránh.
Một tồn tại nữa là thi hành thu hồi tài sản tham nhũng theo bản án rất thấp. Những điểm này ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống tham nhũng.
“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết nguyên nhân của hiện tượng này? Giải pháp khắc phục trong thời gian tới” - ĐB Lê Thị Nga nêu rõ.
Trả lời về vấn đề các vụ án tham nhũng kinh tế lớn có dấu hiệu chuyển tội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, “có những vụ án được tòa án trả lại và truy tố đúng tội danh. Điều tra kéo dài là trách nhiệm của công tác điều tra, truy tố”.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí tham gia trả lời chất vấn cùng Chánh án TAND Tối cao Tham gia giải trình về tình trạng vụ án tham nhũng bị kéo dài, hồ sơ bị trả nhiều lần để điều tra lại, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, công tác chống tham nhũng đã có chuyển biến rõ nét, nhiều vụ án được xét xử nghiêm minh. So với loại án khác, án tham nhũng so với các vụ án khác đang là vụ án bị kéo dài, trả hồ sơ, bổ sung nhiều lần. Đây là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, trong đó có ngành kiểm sát.
Về nguyên nhân, theo Viện trưởng Lê Minh Trí, trước hết, đây là án truy xét, hành vi thực hiện phạm tội đến thời điểm phát hiện phạm tội lâu, đối tượng là người có kiến thức, có chức vụ, quyền hạn, quan hệ và có những điều kiện khác để tác động trong quá trình điều tra vụ án.
Khó khăn đầu tiên khá phổ biến trong các vụ án tham nhũng là kết quả giám định tư pháp. Giám định tư pháp gắn liền với các vụ án kinh tế tham nhũng.
“Tham nhũng xảy ra trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong khi kiến thức chuyên môn chuyên ngành của chúng tôi còn hạn chế, chỉ nắm chắc luật tố tụng thì chưa đủ đánh giá hậu quả thiệt hại của các vụ án”, Viện trưởng Lê Minh Trí chia sẻ. Ví dụ như vụ Phạm Công Danh phải có 5 lần giám định tư pháp mới có cơ sở để xử lý vụ án.
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, yêu cầu giám định tư pháp là phổ biến với các vụ án tham nhũng, nhưng hiện nay, Luật Giám định tư pháp chưa xác định thời hạn trả lời kết quả giám định. Một số vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải cho chủ trương mới xử lý được.
Do quy mô lớn, có vụ án lên đến vài nghìn tỷ đồng, đòi hỏi xác định thiệt hại; nhiều dự án đang dở dang, đắp chiếu, hoặc chưa đưa vào khai thác, sử dụng, nên đánh giá thiệt hại dự án rất khó khăn. Quy mô dự án không phải trong thời gian luật định là xét xử hết được.
Chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là điều tra rõ đến đâu truy tố, xét xử đến đó, phần còn lại sẽ truy tố, điều tra vụ án khác. Xử lý theo phương thức này giúp đưa tội phạm ra ánh sáng theo từng hành vi, nhưng về tổng thể lại khó chứng minh đầy đủ tội phạm.
"Tâm lý sợ oan sai đã dẫn tới cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn tới trả hồ sơ để giải quyết triệt để vụ án nhằm an toàn cho mình" - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí thẳng thắn thừa nhận.
Đối với nội dung liên quan đến phân tích, đánh giá trong các vụ án tham nhũng chức vụ, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng cho biết, những quy định mới trong quản lý nhà nước, trong quản lý kinh tế và quy định mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đặt ra yêu cầu mới về quan điểm, áp dụng tiến hành tố tụng của các cấp tố tụng liên quan đến nhiều kiến thức, chủ thể tội phạm tham nhũng, tài sản sở hữu nhà nước…
Những lĩnh vực này mới, yêu cầu của luật đòi hỏi nhận thức và thực thi ở yêu cầu cao hơn. Nguyên nhân chính dẫn đến kéo dài, điều tra bổ sung có liên quan đến năng lực, trình độ của cơ quan tố tụng, trong đó có Viện kiểm sát.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham gia trả lời chất vấn cùng Chánh án TAND Tối cao “Chia lửa” với Chánh án Nguyễn Hoà Bình, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận công tác đấu tranh xử lý tội phạm tham nhũng còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, khởi tố còn chậm.
Có lý do là tội phạm tham nhũng thường có hành vi che giấu tinh vi, các đối tượng tham gia có tổ chức, cấu kết chặt chẽ với nhau. Tiếp theo là việc điều tra xử lý các vụ việc có yếu tố nước ngoài, thường phải thông qua công tác hỗ trợ tư pháp, tốn thời gian. Việc giám định, trưng cầu giám định nhiều lần dẫn tới vụ việc kéo dài. Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng chưa chặt chẽ.
“Thời gian qua có một số đối tượng tham nhũng bỏ trốn, Bộ Công an đã tiến hành truy bắt và nếu phát hiện có bao che sẽ kiên quyết xử lý” – Thượng tướng Tô Lâm nói và cho biết Bộ Công an đã đề nghị bổ sung Điều 124 trong Bộ luật Tố tụng Hình sự về cấm xuất cảnh, giám sát đặc biệt với các đối tượng liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.
Về việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, Thượng tướng Tô Lâm cho rằng nguyên nhân cơ bản là các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng tổ chức, thời gian khá lâu mới phát hiện, dẫn tới tài sản bị tẩu tán, chuyển trái phép ra nước ngoài, quá trình thu hồi cũng cần có sự phối hợp với các nước nhưng chênh lệch về pháp lý cũng tạo ra những khó khăn.
Kết thúc phiên chất vấn của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã nắm chắc tình hình của ngành, trả lời thẳng thắn, rõ ràng, không né tránh các vấn đề ĐBQH đã nêu.
HÀM YÊN