Hàng trăm căn hộ không được cấp sổ đỏ
Theo hồ sơ vụ án, năm 2009, ông Lê Thanh Thản, ông Lê Kim Giang (em họ ông Thản) và bà Lê Thị Hoàng Yến (con gái ông Thản) mua lại toàn bộ cổ phần Công ty Bemes hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Ông Thản giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bemes, là người đại diện theo pháp luật. Sau khi ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính tỉnh Hà Tây (nay là Sở TN-MT Hà Nội) để di chuyển cơ sở ra thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông), Công ty Bemes lập quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án CT6 Kiến Hưng có tên “Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes” tại phường Kiến Hưng và là chủ đầu tư, trong đó diện tích xây dựng hơn 5.500m2, cao 31 tầng, gồm 2 tòa tháp (CT6A với 231 căn hộ; CT6B với 459 căn hộ).
Mặc dù dự án CT6 Kiến Hưng chỉ được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500, nhưng từ tháng 10-2010, ông Lê Thanh Thản đã chỉ đạo thi công dự án này; đến tháng 11-2012 công trình hoàn thành, và từ tháng 1-2013 bàn giao cho các hộ dân vào sinh sống. Hiện nay, khu nhà cao tầng gồm 3 tòa nhà: CT6A (700 căn), CT6B (444 căn) và CT6C (438 căn), trong khi theo thiết kế không có CT6C. Hiện có 934 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ); 520 căn hộ còn lại không được cấp...
Năm 2019, khi vụ án liên quan sai phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng bị khởi tố, làm việc với cơ quan điều tra, 488/520 hộ dân đã cung cấp giấy tờ mua nhà, qua đó xác định số tiền mua 488 căn là hơn 534 tỷ đồng (thuế hơn 53 tỷ đồng). Theo kết luận định giá tài sản năm 2019 đối với giá trị quyền sử dụng đất 488 căn không được cấp sổ đỏ là hơn 56,5 tỷ đồng; đây là số tiền được xác định là thiệt hại về tài sản khi mua căn hộ, nhưng không được Nhà nước cấp sổ đỏ. Khai tại cơ quan điều tra, 488 hộ dân cho rằng, khi ký hợp đồng mua căn hộ, họ không biết dự án CT6 Kiến Hưng xây sai quy hoạch, và đều tin tưởng ông Lê Thanh Thản xây dựng đúng thiết kế được duyệt. Đa số các hộ đều đề nghị được hỗ trợ cấp sổ đỏ; chỉ có 6 hộ đề nghị trả lại tiền.
Với mức độ sai phạm nghiêm trọng, ông Lê Thanh Thản thừa nhận hành vi lừa dối khách hàng và cho rằng, thời điểm đó, do nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính. Năm 2019, ông Thản có các phương án xin khắc phục như xử phạt hành chính; thỏa thuận với các hộ tại CT6C để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà cách đó 6km và thỏa thuận mua lại các căn hộ tại CT6C, trả lại tiền cho hộ dân và tự phá dỡ tòa CT6C. Tuy nhiên, đến nay Công ty Bemes không thỏa thuận được với các hộ dân. Ông Lê Thanh Thản sau đó đã đề nghị Ngân hàng BIDV bảo lãnh số tiền 530 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Quyền lợi người mua có được đảm bảo?
Đây là câu hỏi khiến hàng trăm hộ dân sinh sống tại tòa CT6C xôn xao nhiều ngày qua khi biết sắp tới TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử các bị cáo trong vụ án “Lừa dối khách hàng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hiện nay, một số hộ dân tại CT6C đã gửi đơn khởi kiện ông Lê Thanh Thản và Công ty Bemes lên cơ quan xét xử để yêu cầu liên đới trả lại tiền mua nhà; bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần, chi phí dịch vụ pháp lý.
Là một trong những cư dân đang sinh sống tại tòa CT6C, anh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, thời điểm anh nhận chuyển nhượng lại căn hộ là năm 2013, với giá khoảng 17 triệu đồng/m2 qua sàn giao dịch. Lúc đó, anh có yêu cầu nhân viên sàn cung cấp giấy tờ liên quan nhưng họ không cung cấp được, tuy nhiên, do cần nhà ở nên anh quyết định mua. Sau đó, khoảng năm 2014-2015, khi một số hộ có sổ đỏ bị thu hồi, anh và nhiều hộ dân khác mới “té ngửa”. Nhiều hộ dân thời điểm đó đã gửi đơn lên Văn phòng Đăng ký đất đai và UBND TP Hà Nội đề nghị được giải quyết, nhưng các văn bản trả lời đều chỉ giải quyết cho các hộ ở tòa nhà CT6A, CT6B mà không có CT6C.
Luật sư Nguyễn Tuấn Anh (Công ty Luật TNHH Trường Lộc) tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân tại tòa CT6C, cho rằng, do xây trái phép nên hợp đồng mua bán giữa các hộ dân và chủ đầu tư sẽ vô hiệu nên các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Công ty Bemes nhận lại tài sản, người dân nhận lại tiền đã mua và theo quy định, thiệt hại phát sinh được xác định bên nào gây thiệt hại, bên đó phải bồi thường. Theo luật sư Nguyễn Tuấn Anh, các hộ dân ở tòa nhà CT6C mua nhà với mục đích để ở, thời điểm mua nhà là hợp pháp, do đó giá trị bồi thường thiệt hại phải tính theo giá trị ngôi nhà hợp pháp ở thời điểm hiện nay để bồi thường cho người dân. Việc bồi thường, Công ty Bemes và ông Lê Thanh Thản phải liên đới chịu trách nhiệm.
Trên quan điểm pháp lý khác, luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc giống như “con voi chui lọt lỗ kim” và ông đề nghị không nên cứng nhắc áp dụng pháp luật trong vụ việc này. Theo ông, hậu quả đã xảy ra, quan trọng là tìm cách đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân. “Quan điểm của tôi, nếu như tòa nhà CT6C đảm bảo về an toàn xây dựng, chỉ có lỗi về hành chính là xây dựng không phép, cơi nới, nếu nguyện vọng của người dân vẫn tiếp tục ở và đóng đủ tiền rồi thì nên cấp sổ đỏ để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ngược lại, nếu công trình không an toàn về xây dựng, phải buộc chủ đầu tư trả lại tiền cho người dân và cần cơ quan thẩm định giá để đảm bảo quyền lợi 2 bên, sau đó công trình phải bị phá bỏ”, luật sư Bùi Đình Ứng nói.
Theo tìm hiểu, khu dự án CT6 Kiến Hưng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2013, nhưng trong kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng ban hành ngày 29-6-2015 do Chánh thanh tra Phạm Gia Yên ký về việc thanh tra một số dự án, kinh doanh bất động sản và các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu và Công ty Bemes là chủ đầu tư, đã không phát hiện được sai phạm về xây dựng đối với dự án CT6 Kiến Hưng.