Bên cạnh việc một bộ phận lớn chủ phương tiện, người lao động còn thiếu ý thức, vi phạm nhiều quy định về an toàn giao thông thủy, tại TPHCM, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn sông rạch để xây dựng trái phép nhà ở, công trình phụ trợ, bến bãi… đang diễn ra phổ biến. Thực tế trên đã và đang đẩy nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) thủy lên mức báo động.
Gia tăng nguy cơ
Đã có không ít vụ TNGT đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TPHCM xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của con người, như sử dụng phương tiện quá hạn, tham gia lưu thông trong điều kiện không an toàn… Thế nhưng hiện nay, rất nhiều tài công, chủ phương tiện đường thủy vẫn bất chấp nguy hiểm, vi phạm các quy định pháp luật khi sử dụng phương tiện. Dọc các tuyến sông rạch, bến phà - đò ngang ở TP, không khó để bắt gặp những sà lan, tàu chở hàng quá tải, quá khổ, vượt mớn nước; khách đi phà, đò không mặc áo phao…
Cùng với các lỗi vi phạm trong sử dụng, điều khiển tàu thuyền của lái tàu, tài công, chủ phương tiện, hành vi lấn chiếm hành lang an toàn sông rạch từ trong bờ cũng là nguy cơ cao dẫn đến TNGT đường thủy. Hiện nay, dọc các tuyến sông rạch chạy qua các quận 7, 8, 9, Thủ Đức và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh…, tình trạng lấn chiếm bờ sông để xây dựng trái phép nhà ở, công trình phụ trợ, bến bãi diễn ra tràn lan. Chỉ tính riêng huyện Bình Chánh đã có hơn 10 bến cảng, bến thủy nội địa xây dựng không phép dọc các sông Cần Giuộc, rạch Ngang, sông Chợ Đệm, kênh Xáng - An Hạ…
Điều đáng nói là các bến bãi này hình thành, lấn chiếm hành lang an toàn sông rạch từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng như thanh tra giao thông, cảng vụ, cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương nhiều lần lập biên bản, nhưng đến nay vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68) Công an TPHCM, việc hành lang an toàn sông rạch bị lấn chiếm để xây dựng các công trình sẽ làm thay đổi dòng chảy, che khuất tầm nhìn quan sát của lái tàu… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT đường thủy trong thời gian qua.
Kiên quyết xử vi phạm
Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, kéo giảm nguy cơ tai nạn, Phòng PC68 Công an TPHCM cho biết, đầu năm 2018, đơn vị đã quán triệt đến các tổ, bộ phận trực thuộc kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, lỗi vi phạm phổ biến, dễ gây ra tai nạn như: chở quá tải quá khổ, vượt mớn nước; sử dụng phương tiện quá hạn, không đăng kiểm; tài công không có giấy phép; lấn chiếm hành lang an toàn sông rạch… Bên cạnh đó, PC68 cũng phối hợp với địa phương thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền kiến thức pháp luật về giao thông thủy.
Cụ thể, mở các lớp tập huấn, cập nhật tình hình luồng tuyến, phân tích các nguyên nhân phổ biến gây tai nạn cho chủ phương tiện, tài công, nhân viên tàu, để họ quan tâm và nâng cao ý thức chấp hành luật… Từ năm 2017 đến nay, đơn vị cũng đã hướng dẫn sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cho hơn 2.000 lượt khách đi đò và cấp phát miễn phí 1.000 bộ tài liệu tuyên truyền cho nhân dân về các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Trong khi đó, Thanh tra giao thông TPHCM cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thống kê các “điểm đen” TNGT, ghi nhận các bất cập, tồn tại về hạ tầng… trên các tuyến đường thủy, để qua đó nhanh chóng khắc phục, giải quyết bất cập, kéo giảm nguy cơ, hạn chế tai nạn xảy ra.
Tại huyện Bình Chánh, Phòng Quản lý đô thị huyện phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Thanh tra giao thông xử lý các bến bãi hoạt động không phép, lấn chiếm hành lang an toàn sông rạch trên địa bàn, đồng thời kiến nghị cơ quan thẩm quyền không tiếp tục cấp phép, gia hạn đối với các bến bãi, kho bãi nằm dọc các sông rạch hết hạn hoạt động.
Chiều 10-3, một sà lan chở cát quá tải lưu thông trên luồng Soài Rạp (đoạn qua huyện Nhà Bè), khi đến khu vực bến phà Doi Lầu (xã Hiệp Phước), do tài công không kiểm soát được tốc độ và mớn nước khiến sà lan suýt đâm va vào một phà chở khách ngang sông.
Thời điểm trên, trên phà có hơn 50 hành khách, tất cả đều không mặc áo phao, mọi người đều luýnh quýnh. Lúc này, nhân viên phà mới vội lấy hơn 10 chiếc áo phao cất ở đuôi phà để mặc cho người lớn tuổi và trẻ em. “Nguy hiểm quá, nếu sự cố xảy ra, không biết tính mạng của tôi sẽ như thế nào vì tôi không biết bơi, mà cũng không có áo phao để mặc lúc này”, chị Hòa (ngụ xã Hiệp Phước) lo lắng nói. Chị cho biết thường xuyên qua lại phà Doi Lầu, nhưng chưa bao giờ thấy nhân viên cũng như lái tàu nhắc nhở và đưa áo phao cho khách mặc khi đi phà.