Phạt mức nặng nhất
21 giờ đêm, phóng viên Báo SGGP theo chân tổ công tác của Đội CSGT Hàng Xanh (thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, PC08), Công an TPHCM phối hợp Công an TP Thủ Đức lập chốt tại ngã tư Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Đội CSGT Hàng Xanh cùng Công an TP Thủ Đức (TPHCM) kiểm tra các tuyến đường trên địa bàn |
Tại đây, lực lượng CSGT tổ chức kiểm tra hàng loạt người lái ô tô, xe gắn máy có dấu hiệu đã uống rượu, bia. Chỉ trong 30 phút, lực lượng CSGT đã xử phạt 10 người. Ông M. (sinh năm 1975, ngụ tỉnh Bình Dương) chạy xe gắn máy, nồng độ cồn trong hơi thở là 0,38mg/lít khí thở. Lúc mới bị kiểm tra, ông M. ký vào biên bản, nhưng khi CSGT thông báo giữ xe 7 ngày thì ông tìm cách năn nỉ. Ông M. phân trần rằng từ tỉnh Bình Dương đi ăn tiệc tại TPHCM, có uống 4 lon bia và vẫn rất tỉnh táo để chạy xe về. Tuy nhiên, CSGT vẫn cương quyết lập biên bản, tạm giữ xe.
Tiếp đó, kiểm tra ông V. (sinh năm 1989, ngụ tỉnh Đồng Nai), CSGT phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở của ông lên đến 0,8mg/lít khí thở (mức cao nhất là 0,4mg/lít khí thở). Ông V. bị lập biên bản vi phạm, bị phạt 7 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe (GPLX) 23 tháng và bị tạm giữ xe 7 ngày.
Trong xử lý vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc tuần tra kiểm soát và lập chốt, lực lượng CSGT còn tổ chức mật phục tại một số quán nhậu. Nếu phát hiện người nào đã uống rượu, bia mà vẫn lái xe thì sẽ báo cho tổ tuần tra để kiểm tra, xử phạt, qua đó ngăn ngừa tai nạn giao thông (TNGT) có thể xảy ra.
Trên địa bàn thuộc Đội CSGT Bàn Cờ quản lý có trục đường Hoàng Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trên trục đường có hàng trăm quán nhậu. Do đó, Đội CSGT Bàn Cờ phối hợp Công an quận 3 thường xuyên tuần tra, lập chốt để xử lý những người đã uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe. Điển hình, ông T. (sinh năm 1989, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) lái xe gắn máy, khi bị kiểm tra, nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,4mg/lít khí thở nên bị phạt 7 triệu đồng, bị tước GPLX 23 tháng và tạm giữ xe máy 7 ngày.
Còn ông C.D. (sinh năm 1976, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) lái ô tô, nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép nên bị phạt 35 triệu đồng, bị tước GPLX 23 tháng và bị tạm giữ xe 7 ngày. Tuy nhiên, Đội CSGT Bàn Cờ cũng cho biết, nếu những trường hợp này tái phạm thì sẽ bị phạt “kịch khung”: phạt 8 triệu đồng, tước GPLX 24 tháng với người lái xe máy; phạt 40 triệu đồng, tước GPLX 24 tháng với người lái ô tô.
Tạo chuyển biến về nhận thức
Qua việc lực lượng CSGT quyết liệt xử lý vi phạm, nhiều người ý thức hơn, đã lựa chọn không điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia. Ông Tuấn Anh (sinh năm 1980, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, từ khi CSGT mở đợt cao điểm xử phạt vi phạm nồng độ cồn, ông đều đi xe ôm nếu có dự tiệc tùng. Điều này giúp ông không phải lo lắng bị xử phạt mà quan trọng hơn là đi về an toàn, dù có “chè chén” với bạn bè. Ông Tuấn Anh cũng chia sẻ, ở nơi ông làm việc, nhiều người cũng chọn đi xe ôm khi tham gia các cuộc nhậu.
Người bị kiểm tra xuất trình giấy tờ với CSGT |
Qua một thời gian xử lý, Đội CSGT TP Thủ Đức (TPHCM) ghi nhận, từ đầu năm 2023 đến nay, số vụ vi phạm nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên địa bàn giảm mạnh. Đạt được kết quả này là vì CSGT tổ chức tuần tra, lập chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các nơi hay xảy ra TNGT hoặc tại khu vực có nhiều quán nhậu. CSGT cũng tuyên truyền các quán nhậu, nhà hàng… chủ động đưa khách về khi khách đã sử dụng rượu, bia. Qua đó, không chỉ vi phạm nồng độ cồn giảm mà TNGT trên địa bàn cũng giảm mạnh.
Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng Phòng PC08, Công an TPHCM, chia sẻ, Phòng PC08 đã yêu cầu toàn bộ lực lượng CSGT tiếp tục chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn một cách nghiêm túc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cán bộ nào vi phạm mà cản trở việc xử phạt thì CSGT sẽ ghi nhận và gửi thông báo đến cơ quan, đơn vị người cán bộ đó đang công tác. Lực lượng CSGT TPHCM cũng tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, theo đó CSGT nghiêm túc, gương mẫu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSGT, nhất là tuyệt đối không lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia.
Đặc biệt, Phòng PC08, Công an TPHCM tăng cường công tác kiểm tra điều lệnh trong toàn lực lượng nhằm tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giữ vững tác phong và ứng xử có văn hóa của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Trong các đợt kiểm tra, có cả nội dung kiểm tra nồng độ cồn đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ. Cá nhân nào bị phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Lãnh đạo Ban Giám đốc Công an TPHCM cũng khẳng định, trong thời gian tới, Công an TPHCM tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra Điều lệnh Công an nhân dân một cách khách quan, toàn diện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Thông qua đó siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy trong ca trực, góp phần xây dựng lực lượng Công an TPHCM ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Thời gian qua, lực lượng CSGT TPHCM tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, nhất là với những vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, như vi phạm nồng độ cồn. Trong quý 1-2023, CSGT TPHCM xử lý hơn 148.200 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tước quyền sử dụng GPLX gần 25.450 trường hợp, tạm giữ 285 ô tô, gần 40.000 xe máy. Trong số này, có hơn 25.260 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, hơn 22.760 trường hợp vi phạm tốc độ.
Cũng trong thời gian này, TNGT trên địa bàn thành phố được kéo giảm trên cả 3 mặt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, toàn thành phố xảy ra 394 vụ TNGT (giảm 121 vụ, giảm 23%), làm chết 146 người (giảm 28 người chết, giảm 16%), bị thương 251 người (giảm 84 người, giảm 25%).