Tại buổi giám sát, đại diện Sở TN-MT TPHCM cho biết, hầu hết các KCX-KCN, KCNC đã hoàn tất và đưa vào vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải tập trung. Riêng chất thải rắn công nghiệp, sinh hoạt và nguy hại cũng đang được giám sát chặt chẽ.
Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, thuộc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong 17 KCX-KCN, KCNC và 2/6 cụm công nghiệp đang hoạt động (Lê Minh Xuân và Nhị Xuân). Các khu đã hoàn tất việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các họng xả của hệ thống xử lý nước thải tập trung, đồng thời kết nối dữ liệu quan trắc với Sở TN-MT. Riêng với chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, sinh hoạt cũng được các doanh nghiệp chuyển giao cho các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý. Nhìn chung cơ bản là chất lượng môi trường tại các khu đảm bảo.
Tuy nhiên, nhiều cơ quan chức năng liên quan cho rằng các vi phạm môi trường trên địa bàn thành phố nói chung còn diễn biến phức tạp. Đại diện Ban quản lý KCX-KCN (Hepza) cho biết, tình trạng vi phạm môi trường vẫn gia tăng theo mỗi năm. Cụ thể, năm 2016 là 6 trường hợp; đến năm 2017, số doanh nghiệp vi phạm bị phát hiện và xử lý là 9 trường hợp; trong năm 2018, đã quyết định xử phạt 23 doanh nghiệp với số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng. Cùng với đó, nguồn thải ô nhiễm từ khí thải lại có chiều hướng gia tăng.
Đồng quan điểm trên, đại diện UBND huyện Củ Chi và Bình Tân cho biết thêm, tình trạng vi phạm môi trường diễn biến khá phức tạp, nhất là những doanh nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư. Do vậy, cần thiết phải tăng cường kế hoạch kiểm tra dày đặt những doanh nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc kiểm tra cần phải tiến hành đột xuất, tránh tình trạng kiểm tra có kế hoạch thông báo trước cho doanh nghiệp, hiệu quả không cao.