
Như Báo SGGP đã thông tin, vừa qua UBND tỉnh Lạng Sơn cấp phép cho Công ty Cổ phần Thương mại - quảng cáo Hoàng Việt Anh (CTHVA) đầu tư, quản lý, khai thác Khu Du lịch thành nhà Mạc tại phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn để công ty này xây dựng nhiều hạng mục phá vỡ cảnh quan di tích. Theo yêu cầu của bạn đọc, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông Hứa Hạnh, Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã UBND tỉnh Lạng Sơn để làm rõ thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương về vấn đề này.

Ông Hứa Hạnh
- PV: Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm đến việc phá vỡ cảnh quan di tích - văn hóa thành nhà Mạc. Đây không phải lần đầu tiên một di tích của tỉnh Lạng Sơn bị xâm hại. Dư luận nghi ngại rằng sẽ xảy ra trường hợp một “Nàng Tô Thị” khác ở đây?
- Ông Hứa Hạnh: Trường hợp thành nhà Mạc khác hẳn trường hợp di tích Tô Thị, bởi lẽ, thành nhà Mạc không hề bị xâm hại. Chúng tôi cấp phép đầu tư cho CTHVA, mục đích huy động vốn xã hội vào các công trình đã triển khai nhưng chưa hoàn thiện.
Công trình Khu du lịch thành nhà Mạc đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết từ tháng 12-1997, sau đó, Sở Thương mại du lịch đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với gần 6 tỷ đồng. Do nhà nước hết vốn nên mới cấp phép cho tư nhân đầu tư tiếp. CTHVA mới được cấp phép xây dựng vào quý IV năm 2005 với tổng vốn đầu tư 10,9 tỷ đồng.
Phải nói rằng, những hạng mục đã thực hiện có ý nghĩa rất thiết thực với đời sống nhân dân TP Lạng Sơn. Trước đây, khu di tích này hoang phế, ngập cỏ rác và là nơi các đối tượng tệ nạn đến tụ tập tiêm chích. Từ khi được đầu tư, khu di tích thu hút rất nhiều khách, đây cũng là nơi vãn cảnh, tập thể thao của nhân dân. Tôi phải khẳng định lại là CTHVA chưa xâm hại di tích.
- Theo quy định, việc cấp phép xây dựng tại khu di tích cấp quốc gia cần phải được thẩm định của Bộ VHTT. UBND tỉnh có biết quy định này?
- Như tôi đã nói, việc quy hoạch chi tiết Khu du lịch thành nhà Mạc đã được phê duyệt từ năm 1997, đến tháng 3-2002 UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cụm các công trình phục vụ khu du lịch thành nhà Mạc, khi đó có lẽ một số thủ tục đã bị bỏ qua. Đến nay, khi cấp phép cho CTHVA, chúng tôi mới phát hiện thiếu thẩm định của Bộ VHTT đối với công trình này.
Với việc cho tiến hành xây dựng tại khu di tích khi chưa được phê duyệt của Bộ VHTT, UBND tỉnh Lạng Sơn đã vi phạm Luật Di sản. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VHTT làm việc với Cục Di sản để xin ý kiến. Cho đến nay (13-3) chúng tôi chưa hề nhận được thông tin nào của Bộ VHTT về việc CTHVA xâm hại di tích và yêu cầu phải dừng việc xây dựng.
- Được biết, CTHVA đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào việc đầu tư khu du lịch này. Nếu bây giờ phải ngừng hoạt động và phá bỏ một số hạng mục đã xây dựng thì ông nghĩ sao?
- CTHVA là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn đầu tư vào khu di tích. Nếu phải ngừng hoạt động chắc chắn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hơn thế nữa, sau này tỉnh rất khó khăn khi kêu gọi đầu tư vào các di tích. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng tôi không chấp hành nghiêm túc các quy định của Bộ VHTT.
Quan điểm của cá nhân tôi, đề nghị Bộ VHTT quy hoạch thật cụ thể, chi tiết các điểm di tích, nơi nào cần bảo vệ thì phải bảo vệ nghiêm ngặt, nơi nào có thể đầu tư khai thác dịch vụ du lịch được thì để đầu tư, khu di tích thành nhà Mạc gần 15ha, nhiều khu di tích khác như di tích Chi Lăng chẳng hạn, rộng mênh mông như vậy, nếu cứ yêu cầu giữ nguyên trạng thì kinh tế xã hội của tỉnh khó có thể phát triển.
- Như vậy, theo ông, những hạng mục mà CTHVA đã xây dựng là không cần dỡ bỏ và nên tiếp tục để doanh nghiệp này đầu tư, quản lý, khai thác khu di tích này?
- Những công trình mà CTHVA đã đầu tư xây dựng hoàn toàn nằm ngoài thành cổ nên không cần thiết dỡ bỏ, còn những hạng mục sau thì chúng tôi chờ ý kiến của Bộ VHTT.
- Xin cám ơn ông!
BẠCH LIỄU thực hiện