Vi phạm bản quyền: Tinh vi, khó quản - Bài 4: “Thanh gươm” phải bén

Theo luật sư Trương Hồng Tú (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Vạn Tâm An), việc vi phạm bản quyền xảy ra nhiều như hiện nay, một phần do bản thân người bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp không quyết liệt trong việc tự bảo vệ và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ...
Vấn đề vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan được nêu tại hội nghị do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) tổ chức ngày 31-3-2023. Ảnh: HỒ SƠN
Vấn đề vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan được nêu tại hội nghị do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) tổ chức ngày 31-3-2023. Ảnh: HỒ SƠN

Phải chặt chẽ, cứng rắn hơn

Được ban hành vào năm 2005 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019, 2022), Luật Sở hữu trí tuệ thắp lên hy vọng rằng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sáng tạo hoặc sở hữu tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, báo chí sẽ được đảm bảo; đồng thời các trường hợp vi phạm bản quyền sẽ bị xử lý nghiêm. Thế nhưng, có vẻ “thanh gươm” này chưa đủ sắc bén! Một nghịch lý là, dù rất nhiều vụ việc vi phạm bản quyền xảy ra, nhưng đến nay rất ít tổ chức, cá nhân sáng tạo hoặc sở hữu tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, báo chí khởi kiện ra tòa án để được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân là họ phải mất quá nhiều thời gian, công sức để theo đuổi vụ kiện, trong khi kết quả thì chưa biết thế nào. Đơn cử, vụ kiện tranh chấp quyền tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt đã kéo dài đến 12 năm mới kết thúc.

Tháng 12-2022, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Công ty TNHH Ảnh Việt - V.Images đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác triển khai dự án Ngân hàng hình ảnh V.Images. Đáng chú ý là Công ty TNHH Ảnh Việt - V.Images sẽ tư vấn cho các nhiếp ảnh gia trên toàn quốc về hoạt động và lợi ích trong việc bảo vệ quyền tác giả.

Theo họa sĩ Bùi Trọng Dư, việc theo đuổi các vụ kiện sẽ mất rất nhiều thời gian, mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc sáng tạo, cũng như gặp những rắc rối liên quan đến các loại thủ tục, giấy tờ đăng ký bản quyền. Hầu hết các họa sĩ ở Việt Nam sau khi vẽ tranh xong, ít ai đăng ký bản quyền, trừ trường hợp những người có hoạt động quốc tế, chuyển tranh ra nước ngoài bắt buộc phải có giấy tờ chứng minh. Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết, hiện nay thủ tục đăng ký bản quyền khá đơn giản và là cách thực thi pháp luật tốt nhất. Ngoài ra, bản thân người sáng tạo có thể thu thập vi bằng chứng minh quá trình làm việc, từ lúc phác thảo cho đến khi hoàn thiện tác phẩm.

Ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhận định, hành vi vi phạm bản quyền tác giả, tác phẩm rất phổ biến và phức tạp trên môi trường số. Hiện nay, VCPMC đã ký thỏa thuận hợp tác với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. “Việc xử lý vi phạm trên môi trường số vốn như “bắt cóc bỏ dĩa”, xử lý cái này xong cái khác mọc lên. Do đó, về mặt luật pháp, cần có những quy định, chế tài chặt chẽ, cứng rắn hơn để chúng tôi dựa trên đó phối hợp xử lý tốt hơn”, ông Hoàng Văn Bình bày tỏ.

Chống vi phạm bằng công nghệ

Hiện nay, việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền là một xu thế tất yếu mang tính toàn cầu. Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, nếu các vi phạm diễn ra trên YouTube, Facebook, các trang web chiếu lậu thì có thể dùng các phần mềm để quét vi phạm. Công nghệ Fingerprinting (dấu vết), Watermarking (thủy vân số)... cũng đang được phía K+ áp dụng trong việc phát hiện và khóa nguồn sóng vi phạm ngay lập tức. “Ngoài giải pháp chặn người dùng truy cập vào các tên miền vi phạm do K+ khoanh vùng, khiến người xem gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các web, đường dẫn vi phạm, chúng tôi còn tiến hành xóa tìm kiếm trên công cụ Google, cũng như tiến tới sẽ làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian để xóa bỏ nội dung vi phạm ra khỏi hệ thống, chặn các địa chỉ IP, máy chủ”, đại diện K+ thông tin thêm.

Hiện nay, sự phát triển của công nghệ blockchain đang được kỳ vọng tạo nên cuộc cách mạng trong giải quyết tình trạng vi phạm. Đặc biệt, công nghệ NFT (Non-Fungible Token - mã thông báo không thể thay thế) giúp nhà sáng tạo có thể theo dấu mọi truy cập, lượt xem, lượt tải về, hay lượt chia sẻ đối với tác phẩm của mình.

Khi được hỏi về việc sử dụng công nghệ NFT trong việc bảo vệ bản quyền, họa sĩ Bùi Trọng Dư chia sẻ, anh từng được không ít khách hàng, kể cả người nước ngoài, ngỏ ý muốn mua tác phẩm theo cách này. Thế nhưng, vì công nghệ này còn quá mới, các họa sĩ cần thời gian để tìm hiểu kỹ, đặc biệt liên quan đến vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan, để có thể ứng dụng nó một cách linh hoạt, chính xác.

Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ để giải bài toán bản quyền đã được đặt ra từ lâu. Ngày 17-2-2022, Hiệp ước WIPO về quyền tác giả có hiệu lực tại Việt Nam, đánh dấu việc Việt Nam chính thức tham gia sân chơi bảo vệ bản quyền quốc tế, thực thi các cam kết về bảo vệ bản quyền, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số.

Ông LÊ THANH LIÊM - Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL:

Tạo hành lang pháp lý giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền

Mỗi năm, Thanh tra Bộ VH-TT-DL xử lý khoảng 80 vụ việc liên quan đến vi phạm bản quyền trên không gian mạng, với số tiền xử phạt hành chính hơn 2 tỷ đồng. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền đang từng bước được hoàn thiện; đặc biệt là trong năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Bộ VH-TT-DL đã trình Chính phủ nghị định quy định chi tiết luật này và Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới.

Năm 2023, Bộ VH-TT-DL cũng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Chúng tôi cho rằng, với hệ thống văn bản nói trên, cùng với các chế tài được quy định trong pháp luật về hình sự sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay.


Luật sư NGUYỄN TƯ THÚC - Giám đốc Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Thúc:

Cần có cơ quan, tổ chức có năng lực giám định

Thực tế hiện nay ở Việt Nam, ngoại trừ hành vi xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu quyền tác giả khá rõ ràng (như tự ý sao chép, nhân bản, khai thác trái phép tác phẩm của người khác) thì những hành vi xâm phạm bản quyền tinh vi khác chưa thể bị xử lý triệt để. Nguyên nhân trước tiên là ở Việt Nam chưa có cơ quan, tổ chức nào có chức năng giám định một hành vi là có vi phạm bản quyền theo quy định pháp luật hay không; bởi lẽ một kết luận giám định như vậy phải đưa ra những quy định, tiêu chí xác định cụ thể hành vi bị cáo buộc là hành vi vi phạm bản quyền. Trong khi đây là điều đặc biệt quan trọng khi tòa án xem xét những hành vi cắt xén, sửa chữa, mô phỏng, sao chép từng phần tác phẩm… là có vi phạm bản quyền hay không...

Tôi cho rằng, chúng ta cần phải thành lập các cơ quan chức năng hoặc tổ chức có đủ năng lực giám định khoa học hành vi vi phạm bản quyền trong từng lĩnh vực; đồng thời cần thiết thành lập các cơ quan chức năng giám định tư pháp bản quyền để giám định thiệt hại do hành vi vi phạm bản quyền gây ra.


Luật sư PHAN VŨ TUẤN - Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam:

Xử lý mạnh tay

Cách thức phổ biến nhất hiện nay để lách luật là khi website bị xử lý đóng cửa, một website khác sẽ được mở với cách thức cung cấp thông tin tương tự nhưng thay đổi tên doanh nghiệp, tên người điều hành, quản lý. Cá biệt có đối tượng sử dụng tên miền quốc tế, đặt server ở nước ngoài và cung cấp dịch vụ vào trong nước, hoặc sử dụng kỹ thuật ẩn IP.

Thông tin về việc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TPHCM khởi tố vụ án hình sự liên quan đến phimmoi.net có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và mang đến cho những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và bảo vệ nội dung trong ngành công nghiệp điện ảnh rất nhiều kỳ vọng về hiệu quả thực thi và xử lý vấn nạn vi phạm bản quyền trên internet. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh và là biện pháp tuyên truyền hiệu quả, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của cộng đồng, người dân trong việc tôn trọng quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể quyền nói chung.

Tin cùng chuyên mục