Ngày 26-9, tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số” do Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam tổ chức đã chia sẻ nhiều thông tin về thực trạng vi phạm bản quyền nội dung số nói chung, cũng như ngành âm nhạc, điện ảnh và truyền hình số nói riêng, đồng thời thảo luận các khó khăn trong việc áp dụng các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến bản quyền.
Trong bối cảnh phân phối nội dung kỹ thuật số đang diễn ra cực kỳ sôi động, sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng truyền hình OTT (Over-The-Top) và các nhà phát hành phim trực tuyến đã đưa người dùng tới một thời kỳ tiêu thụ nội dung giải trí hoàn toàn mới mẻ. Sự thuận tiện trong việc truy cập phim, chương trình truyền hình và sự kiện âm nhạc trực tiếp trên các thiết bị đã làm biến đổi cách khán giả tương tác với nội dung. Tuy nhiên, cuộc cách mạng số hóa này cũng mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung, yêu cầu ra đời các giải pháp mới để bảo vệ nội dung khỏi hàng loạt các rủi ro về xâm hại bản quyền.
Theo ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam cũng nhấn mạnh về các thách thức trong vấn đề bản quyền nội dung trong bối cảnh chuyển đổi số thời điểm này.
Chung nhận định này, chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm bản quyền Nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết, vi phạm bản quyền tại Việt Nam diễn ra hết sức phức tạp, với hàng loạt website vi phạm bản quyền (website lậu) đăng phát các giải bóng đá cũng như phim.
“Đặc biệt, thời gian gần đây phát hiện ra một số website lậu đã chuyển sang hình thức truyện tranh Anime của Nhật Bản. Việc ăn cắp vi phạm bản quyền truyện tranh cũng đã nhận được sự phản ứng rất gay gắt của các đơn vị chủ sở hữu ở Nhật Bản về việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam”, ông Hải thông tin.
Theo lãnh đạo Cục này, đặc điểm chung của nhiều trang web vi phạm bản quyền là sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ẩn giấu thông tin; hoạt động công khai, thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. Các đơn vị quản lý web lậu thường gắn quảng cáo độc hại, cá độ, cờ bạc trên những trang này.
Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia cho biết, ở Việt Nam có đến 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số khiến Việt Nam thiệt hại 348 triệu USD năm 2022, tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng.
“Vi phạm bản quyền tại Việt Nam hiện như mê cung. Những năm trước, việc vi phạm bản quyền đơn giản là sao chép thẻ đầu thu với loại hình truyền hình đầu thu, đến nay, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, xuất hiện hành vi vi phạm xuyên quốc gia”, ông Hân chia sẻ.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng dù đã các biện pháp chặn tên miền cũng đã bắt đầu được thực thi tại Việt Nam; các giải pháp quản lý quyền kỹ thuật số như Widevine, FairPlay và PlayReady đã được triển khai để ngăn chặn truy cập và phân phối trái phép, nhưng các giải pháp bảo vệ bản quyền hiện tại vẫn chưa đủ sức bảo vệ và cần một phương pháp đa chiều để giải quyết các rủi ro đang hiện hữu.
Đặc biệt, vấn đề mà các nhà cung cấp nội dung đối mặt trong lỗ hổng quản lý bản quyền kỹ thuật số trước hết là việc lợi dụng sự giả mạo gói tin để đánh lừa máy chủ ủy quyền và qua mặt việc xác thực cấp quyền lấy nội dung cho các tài khoản không đủ tin cậy.
Các nhà cung cấp truyền hình OTT và các hãng phát hành trực tuyến phải đối mặt với một loạt các rủi ro khác đòi hỏi các giải pháp bảo vệ bản quyền toàn diện như: vấn đề dùng thiết bị quay màn hình để phát lại hay vấn đề khai thác các mạng riêng ảo để né tránh hạn chế địa lý, cho phép truy cập nội dung từ quốc gia này phân phối nội dung trái phép tại một quốc gia khác...
Nhằm đối phó với những mối đe dọa đa dạng này các đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, cùng với những chính sách điều hành, quản lý cần tập trung hơn vào yếu tố công nghệ nhằm cung cấp một cơ chế phòng thủ linh hoạt và tích cực, chủ động phát hiện và thông báo các nguy cơ vi phạm bản quyền.