Vi phạm ATTP: Quản lý nhà nước có “gậy” nhưng xử phạt quá nhẹ
SGGPO
"Quản lý nhà nước có chiếc gậy thì lại xử phạt quá nhẹ, trách nhiệm hình sự thì chưa quy định, nên gây chết người vẫn chưa bị truy tố”, theo Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ngày 5-6, Quốc hội dành trọn 1 ngày để thảo luận kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về an toàn thực phẩm (ATTP).
Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ngay từ đầu giờ đã có tới 76 ĐBQH đăng ký phát biểu, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đến vấn đề này.
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác
Đa số ý kiến ĐBQH tán thành Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này, nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản cho vấn đề có ảnh hưởng đến toàn xã hội và nhiều thế hệ.
Đáng lưu ý, Đoàn giám sát ghi nhận, trong khi ở các địa phương, đến nay vẫn chưa có mô hình tổ chức quản lý ATTP thực sự hiệu quả thì mới đây, TPHCM đã triển khai thí điểm Ban chỉ đạo ATTP trực thuộc UBND thành phố, có vị trí như một sở và nhân lực là tích hợp từ các sở, ban ngành chức năng của thành phố.
ĐB Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) chỉ ra thực tế nhiều người dân phải tận dụng từng khoảng không chật hẹp trên sân thượng để trồng rau trong những thùng xốp và khẳng định, người dân đang phải tự cứu lấy mình trước khi chờ người khác cứu.
Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến. Nhận định rằng hiệu quả quản lý ATTP vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) nhận xét, năm 2009, QH khóa 12 đã giám sát và ban hành nghị quyết về ATTP, nhưng tình hình chuyển biến chậm, mà một nguyên nhân quan trọng là hiện tượng cắt khúc, phân đoạn; các cuộc ra quân mang nặng tính phong trào; không có sự quản lý, giám sát trên toàn chuỗi nên thực phẩm vẫn không an toàn.
ĐB kiến nghị lập đường dây nóng, hoàn thiện các văn bản QPPL theo hướng tránh bất cập, chồng chéo; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về ATTP…
Đồng quan điểm, ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cũng đề nghị “quy về một mối”.
ĐB Bùi Sỹ Lợi có quan điểm khác khi cho rằng vấn đề là ở sự phối hợp làm tốt chức trách của cả 3 cơ quan, “không nên tính chuyện đẻ thêm một bộ máy nữa ở các địa phương”.
Tranh luận với ĐB Lợi, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho biết, mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP ở TPHCM đã phát huy hiệu quả bước đầu, cần tiếp tục nhân rộng ở một vài địa phương khác để đánh giá chính xác hiệu quả.
“Đây không phải là một tổ chức mới, mà là sự tập trung các đầu mối để đảm bảo tính thống nhất, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP”, bà Quyết Tâm nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu tại phiên họp
Một vấn đề khác được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến là đề xuất cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP; trong đó trích 20-30% cho công tác khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phát hiện, đấu tranh với các hành vi gây mất ATTP, cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý ATTP, 70% dành cho mua sắm trang thiết bị và công tác quản lý ATTP.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng đây chỉ nên là giải pháp tạm thời, nếu không sẽ tạo ra tình trạng không công bằng với các lực lượng chức năng khác như chống buôn lậu, chống khai thác lậu khoáng sản...
Nhấn mạnh yêu cầu xử lý căn cơ, tận gốc tình trạng thực phẩm bẩn, ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội đề nghị phải đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Bà cho biết, qua tiếp xúc cử tri, cử tri hết sức trông chờ việc giải cứu cho sông Nhuệ - Đáy, trả lại môi trường trong lành cho 12 triệu cư dân trong lưu vực...
Đề nghị tăng chế tài xử phạt, trừng trị không khoan nhượng những hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bức xúc: "Phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác“.
Nước ngọt làm từ nước lã, phẩm màu và đường hóa học
Giải trình lại ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận kết quả giám sát thuyết phục, có chứng cứ. Bộ Y tế đồng tình với hầu hết các ý kiến ĐBQH, sẽ tìm ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo để làm chuyển biến tình hình hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, phải đẩy mạnh truyền thông, vì ATTP là trách nhiệm của toàn xã hội. “Một dân tộc khỏe thì mỗi người phải khỏe. Từng người yếu ớt thì dân tộc sẽ yếu đi. Vì thế, cần phải đẩy mạnh truyền thông để cả xã hội nhận thức được việc bảo đảm ATTP là trách nhiệm của toàn xã hội”, Bộ trưởng khẳng định.
Về các giải pháp tới đây, Bộ trưởng cho biết, về quy phạm pháp luật, hiện nay quốc tế đánh giá hành lang pháp luật về ATTP là đồng bộ, đầy đủ, vấn đề là thực thi, kiểm tra, xử phạt.
“Thời gian qua đã quyết liệt trong vấn đề ATTP, Thủ tướng 2 lần ra chỉ thị; Chính phủ có nhiều hội nghị; có ban chỉ đạo liên ngành định kỳ đều họp, các bộ ngành khác đều vào cuộc rất mạnh nhất là sau khi có chỉ thị của Thủ tướng về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Trong đó mô hình Ban chỉ đạo ATTP của UBND TPHCM có thể thí điểm ở một số tỉnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ trưởng cũng cho biết tới đây cần sửa một số luật, trong đó có việc phải tăng xử phạt hành chính cũng như phải xử hình sự đối với tội phạm về ATTP, vì vừa qua nhiều vụ ngộ độc rượu gây chết người nhưng chưa truy tố được. Cùng với đó, hoàn thiện những quy chuẩn, tiêu chuẩn khoa học về những định mức, giới hạn cho phép sử dụng các loại hóa chất được sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
“Tại sao văn bản nhiều mà thực hiện không nghiêm, tình hình ngày trầm trọng? Đó là thực tiễn của chúng ta hiện nay, quản lý nhà nước dù đã nỗ lực nhưng ý thức nhà sản suất chưa cao. Người sản xuất vì lợi nhuận mà quên đi lương tri. Văn bản có hết mà vẫn vi phạm do cố tình, vì lợi nhuận, nên mới có chuyện nước ngọt được làm từ nước lã, phẩm màu và đường hóa học. Những vi phạm đều chủ yếu do cố ý làm trái với pháp luật. Quản lý nhà nước có chiếc gậy thì lại xử phạt quá nhẹ, trách nhiệm hình sự thì chưa quy định, nên gây chết người vẫn chưa bị truy tố”, Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải.
Từ thực tế hiện nay, Bộ trưởng Kim Tiến đề nghị cho thí điểm mở rộng mô hình Ban chỉ đạo ATTP của TPHCM, vì mô hình này giúp thanh tra, xử lý nhiều hơn. Cùng với đó, trong bối cảnh không cho tăng người thì đề nghị cho phép xã hội hóa nhân lực lĩnh vực ATTP. “Hiện chúng ta chỉ có 350 người quản lý Nhà nước về ATTP ở cấp trung ương, cấp tỉnh, huyện là 2.500. Còn ở xã chủ yếu kiêm nhiệm. Trong khi riêng thủ đô Bắc Kinh, Băng Cốc họ đã có tới 2-3.000 người làm việc này. Vì thế, phải xã hội hóa nhân lực bằng cách sử dụng lực lượng bán chuyên trách ở xã phường, quận huyện để làm công tác này. Muốn thế phải có kinh phí để trang trải”, Bộ trưởng đề nghị.
Theo bà Tiến, trách nhiệm nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này bàn rất nhiều rồi nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của chính quyền, nhất là chính quyền cấp phường xã chưa được nâng cao, “vì ở xã, ai nấu rượu lậu, ai sản xuất hàng kém chất lượng thì chính quyền đều rõ cả”.
Cùng với đó, bà Tiến cho rằng phải đầu tư thỏa đáng hơn cho sản xuất nông nghiệp. Tái cơ cấu nông nghiệp, chính sách đầu tư cho nông nghiệp (vốn - đất - thuế đều cầc phải đầu tư); tôn vinh những doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, “bởi thực thế nhiều doanh nghiệp phải bỏ dở đầu tư vì sản phẩm làm ra giá cao không tiêu thụ được”.
Phát biểu giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, quản lý nhà nước về ATTP thời gian qua cũng đã đạt được nhiều kết quả nhật định, góp phần đưa đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, gia tăng tuổi thọ trung bình... Song, vị Bộ trưởng thừa nhận, vẫn còn tới 9 nhóm tồn tại như Đoàn giám sát đã chỉ rõ, cho thấy tồn tại vẫn nhiều hơn kết quả làm được...
Với lĩnh vực mới được giao quản lý là phân bón, ông Cường cho biết trong quý 3, Bộ sẽ trình dự thảo nghị định quản lý phân bón và cũng đã đề nghị xây dựng luôn NĐ về xử phạt trong lĩnh vực này, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón vào quy củ, góp phần nâng cao chất lượng, ATTP của sản phẩm nông nghiệp.
Phát biểu sau đó, một số ĐBQH cho rằng, cần phân biệt giữa độ tuổi trung bình còn khỏe mạnh với tuổi thọ trung bình để đánh giá đúng tình hình. ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) phân tích, độ tuổi trung bình khỏe mạnh của người Việt Nam chỉ là 56 tuổi, còn 18 năm còn lại là sống trong bệnh tật...
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, từ năm 2011 đến tháng 10-2016, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Trung bình có 168 vụ/năm với trên 5.000 người mắc/năm và gần 30 người chết.
Còn theo Báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2011 – 2016, đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình 668.673 ca bệnh/năm và 21 người chết/năm, trong đó chủ yếu là tiêu chảy cấp tính. Ước lượng tỷ lệ mới mắc tiêu chảy cấp do thực phẩm trong 1 năm là 25,87% dân số. Tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa vẫn ghi nhận và diễn biến phức tạp.
Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.