Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), trong vòng 4 tháng đầu năm 2018, Cục ATTP cùng các lực lượng chức năng trong cả nước đã phát hiện 31.138 cơ sở vi phạm về ATTP, tiến hành xử phạt với số tiền lên tới hơn 19 tỷ đồng.
Ngoài các hình thức xử phạt chính, Cục ATTP còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả khác như: đình chỉ hoạt động 72 cơ sở, đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm, 231 cơ sở có nhãn phải khắc phục, 1.482 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm, tiêu hủy 1.590 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng ATTP.
Đồng thời, Cục ATTP đã yêu cầu tạm dừng lưu thông 8 lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy 2 lô sản phẩm vi phạm về chất lượng; chuyển 6 vụ việc sang cơ quan điều tra; chuyển 2 trường hợp vi phạm về quảng cáo đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông; giám sát thu hồi và tiêu hủy 22 loại sản phẩm với gần 102 tấn sản phẩm của 4 cơ sở nhập khẩu sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn theo cảnh bảo của Infosan.
Đáng chú ý, phản ứng trước một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP gần đây, nhất là vụ việc trộn pin để nhuộm cà phê ở một cơ sở chế biến kinh doanh nông sản ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông và vụ dùng bột than sản xuất thực phẩm chức năng giả Vinaca ở Hải Phòng, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nêu rõ, đây là những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh.
Cơ quan công an bắt quả tang cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) có hành vi trộn lõi pin vào cà phê
Ông Phong cũng bày tỏ quan điểm bất bình với việc Vinaca được tôn vinh và trao Chứng nhận đạt Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017.