“Vị ngọt” muối tôm ớt Tây Ninh

Tỉnh Tây Ninh không có biển, nguồn tôm cá cũng khiêm tốn, nhưng người dân nơi đây đã sản xuất ra loại muối tôm ớt (còn gọi là muối tôm, muối ớt) làm gia vị khá độc đáo, được người dân khắp nơi ưa thích. Mới đây, nghề làm muối ớt Tây Ninh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bà Lê Thị Mỹ Vân cùng nhân công trộn muối tôm tại sân phơi. Ảnh: LÊ XUÂN
Bà Lê Thị Mỹ Vân cùng nhân công trộn muối tôm tại sân phơi. Ảnh: LÊ XUÂN

Sản xuất thủ công

Nghề làm muối tôm ớt có mặt ở nhiều địa bàn của tỉnh Tây Ninh, nhưng tập trung chủ yếu ở thị xã Trảng Bàng và Hòa Thành. Từ trung tâm thị xã Trảng Bàng, men theo các tuyến đường nhỏ dọc quốc lộ 22, rất dễ nhận ra các lò sản xuất muối tôm bởi mùi tôm, ớt phơi khô cùng vị mặn mòi của muối biển quyện trong không khí. Hầu hết các cơ sở sản xuất này nằm ẩn mình trong các khu dân cư và đều có sân phơi muối rộng rãi.

Tìm đến cơ sở sản xuất của bà Lê Thị Mỹ Vân (67 tuổi, khu phố Tân Lộc, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng), một trong những hộ sản xuất muối tôm ớt truyền thống quy mô của tỉnh Tây Ninh, chúng tôi chứng kiến một khuôn viên rộng hơn 1.000m2 với sân phơi muối, ớt, khu vực pha trộn, nghiền, đóng gói sản phẩm... Theo bà Vân, lợi thế hiếm có của nghề làm muối ớt Tây Ninh chính là thời tiết nắng nóng với thời gian khá dài trong ngày (khoảng hơn 6 giờ), giúp phơi khô nguyên liệu trước khi pha trộn. Muối tôm được sản xuất hoàn toàn thủ công, khi nhào trộn, người lành nghề sẽ cảm nhận được từng hạt muối, từng thớ tôm dưới đôi tay.

Bà Vân chia sẻ: “Công việc này khá vất vả, nhọc nhằn do phải trộn muối giữa trời nắng nóng suốt nhiều giờ, chỉ những người cần cù, yêu lao động, yêu hạt muối như nguồn sống của mình mới có thể “thấm” công thức pha trộn và mới có thể đứng giữa trời nắng gắt trộn từng nắm muối hàng giờ, thêm vị này, bớt vị kia cho thành phẩm muối tôm hài hòa, đậm vị”.

Ngày 14-2-2023, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã ký Quyết định số 230/QĐ-BVHTTDL về việc công bố nghề làm muối ớt Tây Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 8 của tỉnh Tây Ninh được công nhận.

Có thể nói, từng lọ muối tôm ớt chứa đựng tinh thần lao động, tính cần cù và chăm chút sản phẩm tỉ mỉ bằng phương pháp thủ công truyền thống, vừa là nét độc đáo, vừa mang nét văn hóa của đất và người Tây Ninh.

Làm giàu từ hạt muối, con tôm

Không chỉ tiêu thụ trong nước, hiện muối tôm ớt Tây Ninh đã xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có thị trường Mỹ. Với giá bán sỉ loại muối ngon nhất 200.000 đồng/kg, mỗi năm đã mang lại doanh thu nhiều tỷ đồng cho người dân làm nghề muối tôm Tây Ninh. Theo những cơ sở sản xuất, muối tôm ớt không chỉ dùng để làm gia vị của bữa ăn hàng ngày, mà ngon nhất là khi dùng để chấm trái cây như ổi, táo, xoài… khá đậm đà, bén vị. Chính bởi vậy, hiện nay, sản phẩm muối tôm ớt được bày bán rất phổ biến ở các điểm du lịch, dọc các tuyến đường lớn và đã trở thành một trong những sản phẩm chính để du khách mua làm quà mỗi khi đến Tây Ninh.

Nhờ có nguồn thu từ muối tôm ớt, nhiều hộ gia đình vươn lên cải thiện đời sống, thậm chí làm giàu, như: Cơ sở chế biến muối Như Ý (phường 2, TP Tây Ninh), lò muối ớt Hải (phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành), hay cơ sở muối chay Đỗ Thanh Thiện (phường Thượng Tân, thị xã Hòa Thành)… Anh Vũ Quang Nam (chủ cơ sở muối ớt Hải, huyện Dương Minh Châu) chia sẻ: “Nghề muối tôm tuy vất vả, nhưng nếu kiên trì gắn bó thì có thể làm giàu từ sản phẩm này. Gia đình tôi bắt đầu làm nghề muối tôm từ khoảng năm 1996, tôi là thế hệ thứ 2 phát huy nghề truyền thống của gia đình, hiện cơ sở sản xuất có quy mô 6 lò muối hoạt động thường xuyên, tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương. Hiện mỗi tháng cơ sở xuất khẩu (qua đầu mối là các đại lý) khoảng hơn 6 tạ muối ớt tôm thành phẩm đi Malaysia và Mỹ, 80% sản phẩm còn lại được tiêu thụ tại các cơ sở chế biến bánh tráng trộn, bánh tráng phơi sương và các điểm du lịch trong tỉnh”.

Theo ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, hiện Sở Công thương, Sở NN-PTNT tỉnh đang nghiên cứu vận dụng cơ chế chính sách để hỗ trợ các cơ sở đẩy mạnh thương mại hóa, phát triển các sản phẩm theo hướng đánh giá như chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng tầm muối tôm, đảm bảo chất lượng, mẫu mã, các tiêu chuẩn theo quy định, rồi mới tăng sản lượng. Tỉnh cũng đang tính toán kinh phí từ nguồn hỗ trợ khuyến công, giúp các cơ sở vừa giữ được “cốt” của nghề truyền thống, vừa có thể nâng tầm sản phẩm khi bán ra thị trường.

Tin cùng chuyên mục