Theo ông Abdullah Alwi, Chủ tịch Aismoli, đánh giá này dựa trên cơ sở quy mô lớn hiện nay của thị trường xe máy điện trong nước. Theo đó, Indonesia sẽ không chỉ là một trung tâm sản xuất xe máy điện, mà còn trở thành nước xuất khẩu động cơ xe điện trong tương lai. Ông Alwi cho biết: “Cho đến nay, sản lượng xe máy điện ở Indonesia đã đạt 74.988 xe/tháng và đây là một mức tăng đáng kể. Ở thời điểm năm 2020, con số này mới chỉ là vài trăm chiếc/tháng”.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Ahmad Heri Firdaus làm việc tại Trung tâm Công nghiệp, Thương mại và Đầu tư thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF), cho biết, tỷ lệ sử dụng xe 2 bánh ở Indonesia thuộc nhóm cao nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ở mức trung bình 4 người dân có một xe máy. Điều này có nghĩa là cơ hội chuyển đổi sang xe máy điện ở Indonesia là rất lớn, bên cạnh tính chiến lược về thị trường và sự phát triển của ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, chuyên gia Firdaus cũng cho rằng Indonesia vẫn đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc thực hiện cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Để hướng tới mục tiêu này, một trong những biện pháp cần thực hiện là chuyển đổi xe máy chạy xăng sang phiên bản xe điện.
Mặc dù việc sử dụng xe máy điện ở Indonesia đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu của chính phủ là 13,5 triệu xe máy điện bán ra vào năm 2030. Ông Firdaus thừa nhận: “Vẫn có những thách thức hiện hữu, không chỉ về các vấn đề kỹ thuật như cơ sở hạ tầng nói chung, mà cả về nhận thức của người dân. Nhiều người vẫn còn nghi ngờ về nguồn điện, độ bền, hay các chính sách hậu mãi…”. Chủ tịch Aismoli kêu gọi cả Chính phủ Indonesia và các nhà sản xuất xe máy điện nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về xe máy điện, để qua đó hình thành sự hiểu biết và tin tưởng đối với sản phẩm thân thiện với môi trường này.