Du xuân trong bình an
Mùa lễ hội năm nay cũng chính là dịp một số chùa lớn, di tích lớn ở miền Bắc như chùa Bái Đính, Tam Chúc, Yên Tử… và sắp tới là chùa Hương (Hà Nội) mở cửa đón khách trở lại sau một thời gian đóng cửa phòng chống dịch Covid-19.
Chia sẻ về việc danh thắng Hương Tích chuẩn bị mở cửa đón du khách vào ngày 16-2 tới, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn, cho biết, đang vận hành thử nghiệm quy trình đón khách an toàn trong tình hình dịch Covid-19. Địa phương đã lập 8 chốt kiểm soát dịch ở các lối ra vào Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn; 2 trạm y tế lưu động đã được thiết lập ở Trạm y tế xã Hương Sơn và khu Bến Chò (điểm soát vé tham quan).
“Vì một mùa lễ hội bình an, chúng tôi cũng khuyến cáo du khách chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 không nên đến khu di tích để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng”, ông Nguyễn Bá Hiển chia sẻ. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc trong những ngày cao điểm, ban tổ chức cũng đã lên phương án về việc phân luồng, thậm chí tạm dừng hoạt động cáp treo… để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Đón hàng vạn du khách trong những ngày đầu xuân, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền tới du khách, ban quản lý cũng cắt cử nhân viên thường trực tại các điểm để thường xuyên nhắc nhở bà con tuân thủ đeo khẩu trang, khử khuẩn.
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang (chùa Tam Chúc, Hà Nam), đầu xuân năm mới, mọi người tìm đến nơi cửa Phật, những chốn tâm linh để cầu mong sức khỏe, yên vui, mọi việc thuận lợi; đồng thời tham quan, vãn cảnh để tìm về sự tĩnh tâm, thư thái để suy nghĩ lại chính bản thân mình. Đây là truyền thống đã có từ lâu đời của dân tộc, người đi lễ chùa giữ truyền thống đẹp này một cách lành mạnh. Đi chùa là để tĩnh tâm nên cần tránh chen lấn, ồn ào, cố gắng giữ thân tâm thư thái, nhẹ nhàng, hạn chế đốt nhiều hương, tiền vàng, lễ mặn.
Lấy tinh thần lạc quan, bình an làm trọng
Từ nhiều năm nay, người Việt vẫn quan niệm “lễ tết quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng, song với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc đi lễ chùa theo những nhóm nhỏ hoặc theo dõi các khóa lễ cầu an online để đảm bảo an toàn phòng chống dịch được nhiều người lựa chọn.
Chia sẻ về xu hướng mới này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng, đó là sự thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh. Giáo hội khuyến khích các chùa tăng cường bài giảng, pháp thoại, hướng dẫn thực hành thiền và các khóa tu, các buổi lễ cầu an online kết nối rộng rãi với đồng bào phật tử trong nước và Việt kiều ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, đem đến tinh thần lạc quan, sự bình an, giảm các tác động stress tâm lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cũng theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, cầu an đầu năm là nghi lễ rất quan trọng trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam cũng như tín đồ Phật giáo, song ngoài việc đến chùa cầu an, người dân còn thực hiện nghi lễ tại nhà. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hướng dẫn các chùa tụng kinh Dược sư là bản kinh cầu quốc thái dân an, đời sống ấm no hạnh phúc, người dân cũng có thể tụng kinh này tại nhà hoặc bất cứ bản kinh Phật nào cũng được.
Về lễ vật dâng cúng tổ tiên, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, người dân thường lấy lễ để thể hiện lòng thành kính, thực ra điều này không cần thiết, chỉ cần sửa soạn ban thờ sạch sẽ, bày biện sao cho trang nghiêm, thanh tịnh, nhìn vào ban thờ chúng ta thấy thanh thản, an vui là được.
“Các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong dịp lễ tết phải đảm bảo không tập trung đông người, nghi lễ trang nghiêm, thời gian phù hợp, ngắn gọn, tiết kiệm”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết. |
Chia sẻ về quan niệm “tốt lễ dễ kêu” cũng như hiện tượng đốt vàng mã đang bị biến tướng, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường sống, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng, tập tục này chỉ gắn liền với các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo không có kinh sách nào nhắc tới việc đốt vàng mã. Vì vậy, mọi người thay vì bỏ tiền ra mua vàng mã để đốt hãy làm những việc thực tế hơn.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, vào chùa, vào đền, quý nhất là cái tâm. Tâm là hướng đến lòng kính trọng, hướng đến giáo lý và đạo đức, cầu mong cho mình và cho mọi người cuộc sống nhân ái, vị tha, hạnh phúc. Người xưa thường nói, tùy tâm mà lễ bái, đừng đua nhau làm xấu đi chốn trang nghiêm. Trong đạo Phật luôn quan niệm “Phật tại tâm”, vì thế, khi chúng ta sống vì người khác, cho người khác, tinh thần chúng ta sẽ hướng thiện nhiều hơn, thoải mái hơn và đó chính là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất mà chúng ta làm được cho mọi người.