Dù quá sớm để suy đoán về các chi tiết cụ thể của hiệp ước nhưng đã có hơn 50 quốc gia ủng hộ thành lập hiệp ước mới, bao gồm các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn đối với nhựa có nguồn gốc từ dầu và khí đốt; áp đặt hạn chế đối với việc sản xuất nhựa mới, hoặc loại bỏ dần các sản phẩm nhựa dùng một lần...
Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Inger Andersen đã kêu gọi các nước trên thế giới đoàn kết để đạt được hiệp ước mới này và nhấn mạnh cần nắm bắt “cơ hội hiếm có” để làm sạch hành tinh cho các thế hệ tương lai. Các nguyên tắc toàn cầu trước đây đã loại bỏ dần thủy ngân và các chất làm suy giảm tầng ozon từng phổ biến trong các mặt hàng gia dụng. Điều này chứng tỏ có thể đạt được sự đồng thuận xuyên biên giới và thúc đẩy sự thay đổi trên toàn nền kinh tế.
Mỗi năm, thế giới sản xuất thêm khoảng 400 triệu tấn nhựa và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Báo cáo được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố cho thấy trong năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi, lên 353 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường.
Báo cáo cho rằng nhựa góp phần sản sinh ra 3,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu trong năm 2019, trong đó 90% là từ hoạt động sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch. OECD kêu gọi thiết lập những chính sách hạn chế việc sử dụng nhựa nói chung, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng quản lý rác thải cơ bản, trong đó cần đầu tư 25 tỷ EUR/năm vào những nỗ lực ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.